Phát hành trái phiếu riêng lẻ: Trông chờ minh bạch thông tin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Tiến sỹ luật Phan Phương Nam (Phó Trưởng Khoa Luật thương mại, Đại học Luật TPHCM), tâm lý nhà đầu tư chạy theo lãi, còn ở góc độ quản lý cần có cơ chế giám sát để giúp nhà đầu tư “bớt nhiễu thông tin”.

Thời gian qua, Bộ Tài chính tăng cường việc giám sát, xử phạt doanh nghiệp phát hành trái phiếu vì hành vi phát hành trái phiếu ra công chúng nhưng không báo cáo Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Bên cạnh đó, Báo Đầu tư Chứng khoán cũng có một số bài viết phản ánh về việc một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu với các thông tin bất nhất như chưa công bố phát hành đã rao bán trái phiếu... Trên thị trường vẫn còn tình trạng trái phiếu “vàng thau lẫn lộn”, vậy làm thế nào để nhà đầu tư cá nhân nhận diện trái phiếu tin cậy?

Tiến sỹ luật Phan Phương Nam
Tiến sỹ luật Phan Phương Nam

Nếu nói doanh nghiệp phát hành trái phiếu chui thì cũng không hẳn là “chui”. Chúng ta cần có sự tách bạch giữa công ty đại chúng/công ty chưa đại chúng, chào bán trái phiếu ra công chúng và chào bán trái phiếu riêng lẻ. Đối với công ty đại chúng, việc chào báo trái phiếu ra công chúng bắt buộc phải được sự chấp thuận của Ủy ban chứng khoán nhà nước; còn công ty không phải đại chúng thì không có quy định này.

Hiện nay, các quy định pháp luật mới chỉ thắt chặt việc chào bán trái phiếu ra công chúng như doanh nghiệp có mức vốn điều lệ tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên, có phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu từ đợt chào bán; sau khi kết thúc đợt chào bán phải cam kết và thực hiện niêm yết trái phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán…

Còn quy định về chào bán riêng lẻ khá lỏng lẻo và chưa có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý. Trái phiếu là chứng khoán nợ, không có tài sản đảm bảo, nhà đầu tư mua vì lòng tin và hấp dẫn bởi dự án mà doanh nghiệp phát hành đưa ra.

Do đó, nhà đầu tư cần xem xét mức độ minh bạch của doanh nghiệp vì trên thị trường đầy rẫy trái phiếu 3 không là “không tài sản đảm bảo”, “không xếp hạng”, “không bảo lãnh thanh toán”. Ở góc độ quản lý, Nhà nước cần phải kiểm soát kỹ hơn vấn đề này và có cơ chế đảm bảo cho nhà đầu tư, bắt buộc doanh nghiệp phát hành phải có tính minh bạch.

Theo ông, cụ thể các cơ chế đó là gì?

Lâu nay, khi phát hành trái phiếu riêng lẻ, doanh nghiệp tự chủ động công bố thông tin, cơ chế giám sát chưa được nhà nước quy định cụ thể và áp dụng một cách có hiệu quả. Như vậy, cần phải có cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả việc doanh nghiệp công bố thông tin như nào, quy trình ra sao.

Đơn cử cơ chế nhỏ như việc hàng năm, doanh nghiệp phải công bố báo cáo tài chính cho Sở Kế hoạch - Đầu tư, mình đã làm chưa, đã phạt doanh nghiệp nào chưa tuân thủ không? Rồi đến cơ chế khác mạnh tay hơn như khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu đợt sau thì có giải trình kết quả của đợt trước chưa, nếu chậm thanh toán thì có bị cấm phát hành tiếp không?

Tâm lý của nhà đầu tư là chạy theo lãi, còn Nhà nước đã mạnh tay với các trường hợp sai phạm chưa, từ đó mới giúp nhà đầu tư bớt nhiễu thông tin.

Để hoàn thiện khung pháp lý, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, trong đó có đề xuất thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán nhằm tăng tính thanh khoản, tăng cường tính công khai, minh bạch (hiểu nôm na là chợ trái phiếu). Ý kiến của ông về ý tưởng này như nào?

Lập chợ trái phiếu thì quan trọng là ai sẽ “đi chợ” mà thôi. Thị trường trái phiếu giống như “mớ bong bóng” nhà nước đang gỡ rối từ từ.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp thiếu vốn trong khi vay ngân hàng cần tài sản đảm bảo, quy trình mất thời gian; vay vốn lưu động không được nhiều do sản xuất kinh doanh khó khăn nên phải tìm cách huy động vốn mới để đảm bảo hoạt động kinh doanh. Có doanh nghiệp làm đúng nhưng cũng có doanh nghiệp lợi dụng cơ hội này để trục lợi.

Để lọc trái phiếu “rác” đòi hỏi phải có sự phối hợp của cơ quan thuế và các cơ quan khác trong việc công khai dữ liệu doanh nghiệp như tình hình nợ xấu, kết quả kinh doanh… Đây là những thông tin mà nhà đầu tư rất cần, mà không có nguồn chính thống để truy cập, tìm hiểu. Chúng ta không công khai toàn bộ bức tranh tài chính doanh nghiệp nhưng có thông tin nền để nhà đầu tư nắm bắt thông tin doanh nghiệp để đo lường rủi ro.

Tin bài liên quan