Phát hành dưới mệnh giá: Đường cùng!

Phát hành dưới mệnh giá: Đường cùng!

(ĐTCK) Gỗ Trường Thành, Đệ Tam, Thái Hòa... phải phát hành thêm dưới mệnh giá. Chấp nhận bởi sự lựa chọn "tồn tại hay không tồn tại".

Không còn cách nào khác

Hiện tại, TTCK đã ghi nhận một số DN như CTCP Tập đoàn Gỗ Trường Thành (TTF), CTCP Đệ Tam (DTA), CTCK Rồng Việt (DVS), CTCK Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam (THV) có ý định chào bán cổ phần với giá dưới mệnh giá. Cụ thể, TTF dự kiến phát hành thêm 50% vốn (khoảng 15,6 triệu cổ phiếu) cho cổ đông hiện hữu với giá 5.000 đồng/CP, DTA sẽ phát hành riêng lẻ 5 triệu cổ phiếu với giá không thấp hơn 7.000 đồng/CP, DVS định chào bán riêng lẻ khoảng 35 triệu cổ phiếu với giá tối thiểu 7.000 đồng/CP, ĐHCĐ THV thông qua kế hoạch phát hành 42,24 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược với giá 6.000 đồng/CP.

Trên thực tế, căn cứ BCTC năm 2011 và BCTC quý I/2012, dòng tiền của những DN này tuy chưa đến mức bị âm, nhưng cũng đã ở thế khó khăn. Tiền và các khoản tương đương đương tiền của DTA tính đến 31/3/2012 chỉ là 2,2 tỷ đồng; TTF là 14,1 tỷ đồng; THV là 8,6 tỷ đồng. Con số này quá nhỏ so với nhu cầu vốn của DN. Chẳng hạn, theo BCTC quý I/2012 của TTF, riêng các khoản chi phí (tài chính, bán hàng, quản lý DN) đã hơn 89 tỷ đồng. Vì thế, dù trong quý I/2012, TTF có doanh thu tăng 41,8% so với cùng kỳ năm trước thì lãi gộp thu về, sau khi trang trải chi phí, chỉ còn dư ra rất ít.

Nếu cần vốn để dự trữ nguyên liệu, mua sắm thiết bị, phát triển đầu tư thì TTF vẫn có khả năng thuyết phục ngân hàng cho vay. Bằng chứng trong quý I/2012, các ngân hàng tiếp tục rót hơn 520 tỷ đồng cho TTF. Tuy nhiên, với cơ cấu tổng nợ bằng 75% tổng tài sản, vay nợ chỉ càng tăng thêm áp lực cho Công ty. Tính ra, chi phí lãi vay của Công ty trong quý I/2012 đã là 56,5 tỷ đồng, chiếm 94% chi phí tài chính. Vì thế, nếu không cơ cấu lại vốn theo hướng giảm nợ, tăng vốn thì công ty này sẽ gặp rủi ro.

Ở THV là câu chuyện về mất thanh khoản. Theo BCTC quý I/2012 thì nợ ngắn hạn của THV đã vượt tài sản ngắn hạn. Đặc biệt, trong 1.418 tỷ đồng tài sản ngắn hạn thì hàng tồn kho chiếm đến 66%. Đây chủ yếu là tồn kho thành phẩm và hàng hóa. Nếu THV không thể biến tồn kho thành tiền, kinh doanh lại thua lỗ (lỗ 88,6 tỷ đồng trong quý I/2012), áp lực trả nợ vây bủa khi 95% tổng nợ là nợ ngắn hạn, thì con đường duy nhất để THV thoát khỏi thế bí này là phải được “tiếp máu”.

 

Để cung gặp cầu

Rõ ràng, các DN kể trên đang rất cần vốn, nhất là nguồn vốn rẻ. Trong khi đó, việc phát hành với giá bằng mệnh giá trở lên với các DN này là rất khó khăn. Điển hình như DTA đành tuyên bố hủy phương án phát hành 5,5 triệu cổ phiếu, dù phương án này đã được thông qua từ năm ngoái. Lý do là không ai chịu mua DTA với giá 10.000 đồng/CP khi cổ phiếu này từ hơn một năm qua luôn dao động dưới mệnh giá.

Để đeo đuổi kế hoạch tăng vốn cho các mục đích đầu tư, DTA chỉ có cách “đại hạ giá” cổ phiếu. Cả khi như vậy, các DN cũng không chắc chắn vào khả năng thành công của đợt phát hành. Trong nghị quyết ĐHCĐ 2012, lãnh đạo DTA cho biết, Công ty còn phải chờ thời điểm thuận lợi mới phát hành tăng vốn.

Theo chuyên gia Lê Đạt Chí, đây là câu chuyện cung - cầu. Nếu nhà đầu tư định giá cổ phiếu DN ở mức thấp mà DN chào bán giá cao là tự làm khó mình. Cả khi đối chiếu với giá trị sổ sách thì cũng không phải là một so sánh chuẩn. Vì giá trị sổ sách là giá trong quá khứ, ở một thời điểm đã qua, trong khi nhà đầu tư định giá cổ phiếu là nhìn trong hiện tại và tương lai DN.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phúc Hảo, Phó phòng Tài chính Doanh nghiệp, CTCK Bản Việt nhận định: “Cổ đông hiện hữu của DN sẽ thiệt thòi khi DN thực hiện việc này, vì giá cổ phiếu sẽ bị pha loãng, lợi nhuận làm ra phải bù đắp khoản âm từ phát hành dưới mệnh giá. Nghĩa là khả năng trả cổ tức cho cổ đông của DN bị suy giảm”. Tuy nhiên, nếu DN minh bạch tình hình hoạt động, cổ đông hiểu được rằng, DN cần được “tiếp máu” để tồn tại và vượt qua giai đoạn khó khăn thì họ sẽ giơ lá phiếu ủng hộ. Đây có thể là lý do khiến ĐHCĐ của VDS, DTA đã biểu quyết phương án phát hành dưới mệnh giá với tỷ lệ tán thành khá cao.