Phát hành dưới mệnh giá: chờ Chính phủ

Phát hành dưới mệnh giá: chờ Chính phủ

(ĐTCK) Không thể làm theo cách ban hành một thông tư hướng dẫn, nên việc DN có được phát hành dưới mệnh giá hay không đang phải đợi Chính phủ mở đường.

Không còn là nhu cầu đơn lẻ

Sau trường hợp mới nhất là CTCP Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) và trước đó là CTCP nước giải khát Sài Gòn (TRI, đã bị hủy niêm yết) được phép phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá để tăng vốn, cánh cửa tăng vốn đã hé mở với nhiều DN niêm yết trong bối cảnh kinh tế vĩ mô, TTCK kéo dài khiến quá nhiều cổ phiếu có thị giá dưới mệnh giá. Tuy nhiên, nhu cầu bức bách này sẽ còn phải chờ thêm, bởi quá trình hoàn chỉnh pháp lý chưa hoàn tất.

Với các trường hợp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã cho phép phát hành dưới mệnh giá, điều kiện quan trọng mà các DN phải đáp ứng là phải có thặng dư vốn cổ phần, hay lợi nhuận chưa phân phối đủ bù đắp số thiếu hụt ở vốn chủ sở hữu từ đợt chào bán cổ phần dưới mệnh giá. Sau khi phát hành, vốn điều lệ phải nhỏ hơn hoặc bằng vốn chủ sở hữu...

Phát hành dưới mệnh giá: chờ Chính phủ ảnh 1

Hơn một nửa số cổ phiếu niêm yết hiện có giá dưới mệnh giá (10.000 đồng)

Xuất phát từ đòi hòi thực tế từ thị trường, nhu cầu DN tìm vốn qua phát hành cổ phần và chấp nhận bán dưới mệnh giá để tăng vốn, ngày một lớn. Nếu vướng mắc về pháp lý hiện hành không sớm được tháo gỡ, thì nhu cầu chính đáng này của DN sẽ còn gặp khó dài dài, nhất là khi danh sách cổ phiếu có thị giá dưới mệnh giá đang ngày một dài thêm (hiện gần 70% cổ phiếu niêm yết trong tình trạng này), do kinh tế vĩ mô, cũng như TTCK chưa dễ khởi sắc trong ngắn hạn.

Nói cách khác, các DN và TTCK đang phải sống chung với tình trạng thị giá cổ phiếu dưới mệnh giá, điều mà chính DN niêm yết lẫn cơ quan quản lý thị trường ít ngờ tới. Một khi diễn biến này kéo dài, nhu cầu phát hành cổ phần dưới mệnh giá để tăng vốn không còn là đơn lẻ, mà trở thành phổ biến. Không lẽ chỉ vì vướng quy định về mệnh giá, mà nhu cầu tăng vốn của DN thông qua TTCK không thực hiện được? “Cánh cửa” này rất cần sớm mở, nếu không, động lực DN lên sàn để có thể huy động vốn sẽ bị vô hiệu hóa. Vậy tham gia TTCK liệu có còn sức hấp dẫn đối với các DN?

 

Chờ sự mở đường từ Chính phủ

Chính vì đòi hỏi từ thị trường, mà ngay từ đầu năm nay, trong kế hoạch triển khai các giải pháp hỗ trợ TTCK, hỗ trợ DN, UBCK đã đặt ưu tiên tìm kiếm giải pháp cho phép DN được phát hành cổ phần dưới mệnh giá. Giải pháp này không chỉ giúp DN, mà còn góp phần khơi thông kênh huy động vốn của DN qua TTCK, vốn đã bị suy giảm nghiêm trọng trong năm 2012.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo UBCK cho biết, từ đầu năm nay, sau khi được Bộ Tài chính cho phép, UBCK đã xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn về phát hành cổ phần dưới mệnh giá. Dự thảo đã được hoàn thiện cách đây gần 2 tháng. Tuy nhiên, khi gửi dự thảo để lấy ý kiến Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan, thì nhận được góp ý: về mặt thể thức ban hành văn bản quy phạm pháp luật, theo quy định hiện hành, loại hình thông tư không được đặt ra các điều kiện (muốn phát hành dưới mệnh giá, DN phải có thặng dư vốn cổ phần, hay lợi nhuận chưa phân phối đủ bù đắp số thiếu hụt ở vốn chủ sở hữu từ chào bán cổ phần dưới mệnh giá). Điều này đã khiến cho việc ban hành văn bản hướng dẫn về phát hành dưới mệnh giá bị chậm trễ.

Để khắc phục tình trạng trên, UBCK cho biết, trên cơ sở rà soát các quy định pháp lý, cũng như tham vấn ý kiến của các đơn vị liên quan, cơ quan này đã đề xuất phương án Bộ Tài chính trình Chính phủ có quyết định chấp thuận cho phép DN phát hành cổ phần dưới mệnh giá. Nếu đề xuất này được chấp thuận, Bộ Tài chính sẽ ban hành văn bản triển khai việc phát hành cổ phần dưới mệnh giá.

Khi quy định pháp lý mở ra cơ chế cho phép các DN được phát hành cổ phần dưới mệnh giá, sẽ là bước cải cách chính sách quan trọng, đáp ứng đòi hỏi bức bách của nhiều DN và thị trường. Bước chuyển động chính sách này nếu được thực thi, sẽ hỗ trợ sự phát triển của DN niêm yết nói riêng, TTCK nói chung trong bối cảnh khó khăn vẫn đang gõ cửa từng ngành, từng DN.