Cạn nguồn
Rất ít người biết được khi tiêu thụ điện cả nước lập đỉnh mới trong ngày 21/6/2019 với mốc 38.147 MW thì các nguồn điện còn có thể huy động để phát lên lưới điện quốc gia còn không đáng kể.
Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, thời điểm lúc 2g ngày 21/6, khi công suất tiêu thụ điện của hệ thống đạt đỉnh 38.147 MW, hệ thống điện cả nước chỉ còn dự phòng nguội vỏn vẹn… 150 MW đến từ các tổ máy chạy dầu FO của Nhà máy nhiệt điện Thủ Đức. Tuy nhiên, ngay cả phần công suất dự phòng nguội này muốn huy động phát điện cũng cần tới 8 tiếng mới xong phần khởi động và đi vào phát điện ổn định.
Như vậy, với thời điểm hiện nay, dù công suất đặt của các nhà máy trong hệ thống lên tới hơn 51.000 MW nhưng khả năng huy động được các tổ máy vào phát điện chưa tới 38.500 MW.
Đáng nói là mức công suất đỉnh của ngày 21/6 có thể sẽ bị phá vỡ nhanh chóng ngay trong mùa hè này khi mà vài năm trở lại đây cao điểm tiêu thụ điện đều rơi vào tháng 7 hoặc đầu tháng 8.
Năm ngoái, cao điểm tiêu thụ điện của hệ thống là ngày 3/7/2018 với đỉnh công suất là 35.110 MW.
Còn năm 2017, đỉnh công suất tiêu thụ điện đã đạt 30.857 MW vào ngày 9/8/2017.
Cần nói thêm rằng, trong ngày 21/6/2019, hệ thống điện đã phải huy động gần 2.000 MW nhiệt điện chạy dầu có chi phí sản xuất từ 3.500 đến 5.000 đồng/kWh. Đây cũng là những mức giá cao hơn rất nhiều so với giá bán lẻ điện bình quân tới các hộ tiêu thụ đang chỉ là 1.846 đồng/kWh.
Trong hơn 38.147 MW được huy động lúc cao điểm này may mắn có sự đóng góp tích cực từ nguồn điện mặt trời được đầu tư mạnh thời gian qua. Thống kê của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) cho hay, trong cao điểm tiêu thụ điện ngày 21/6, phần đóng góp của các nhà máy điện mặt trời là 2.400 MW.
“Những ngày nắng nóng, từ 8g sáng đã có thể huy động được 1.200 MW công suất từ điện mặt trời và cao điểm lên tới 3.100 MW. Tuy nhiên, sau 18g hàng ngày thì tất cả điện mặt trời lại về số 0”, nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay.
Lo hạn, lo cháy
Chưa kịp mừng vì cao điểm tiêu thụ điện đã hạ nhiệt sau những ngày nắng nóng thì biến cố cháy rừng ở Hương Thuỷ, Thừa Thiên Huế vào lúc 13g ngày 28/6 với diễn biến lớn và có thời điểm ngọn lửa đã bao trùm một đoạn đường dây 500 kV đã khiến hệ thống điện cả nước lâm vào tình trạng căng thẳng cao độ.
Số liệu online được công khai của A0 cũng tại thời điểm 13g ngày 28/6/2019 cho thấy, công suất tiêu thụ điện cả nước đã đạt 37.136 MW và đang có chiều hướng gia tăng.
Tuy nhiên trong giai đoạn này, hàng loạt tổ máy nhiệt điện than khu vực miền Bắc gặp sự cố khiến nguồn điện miền Bắc mất đi 2.000 MW công suất.
Cụ thể, các tổ máy thuộc các Nhà máy nhiệt điện than Sơn Động, Cẩm Phả, Hải Phòng, Quảng Ninh, Uông Bí bị sự cố; Nhiệt điện Mông Dương 1 và Nhiệt điện Mông Dương 2 bị suy giảm công suất do nước làm mát bị tăng cao nhiệt độ vì trời quá nóng; Nhiệt điện than Vũng Áng bị thiếu than.
Cùng với đó, do nắng hạn kéo dài, các hồ thủy điện lớn trên dòng sông Đà là Sơn La và Hòa Bình tiếp tục ở gần mức nước chết, nên nguồn điện khu vực miền Bắc không thể đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải tại chính khu vực miền Bắc, mặc dù đã khai thác tối đa khả năng truyền tải của đường dây 500kV Bắc - Nam để truyền tải từ Nam ngược ra Bắc trước đó.
Thực tế bất khả kháng khi nhu cầu về điện tiếp tục tăng cao ở miền Bắc do vẫn nắng nóng gay gắt trong ngày 28/6, nhưng khả năng đáp ứng nguồn tại chỗ của khu vực miền Bắc gặp khó khăn như nói trên và đường dây 500 kV đang truyền tải ngược điện từ Nam ra Bắc bị ảnh hưởng bởi đám cháy lớn ở Thừa Thiên Huế, A0 đã buộc phải tiết giảm phụ tải ở một số khu vực tại miền Bắc và miền Trung trong ngày 28/6 để đảm bảo an toàn cho lưới điện truyền tải.
Cũng trong ngày 28/6/2019, miền Bắc đã chứng kiến nhiều đám cháy khác xẩy ra tại Hà Tĩnh, Ninh Bình. Tuy nhiên, rất may là các khu vực này không có sự hiện diện của đường dây 500 kV Bắc - Nam, gây nguy hiểm đến khả năng cấp điện.
Mặc dù sau khi đám cháy rừng tại Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) được cơ bản khống chế và đoạn đường dây 500 kV tại đây vẫn đủ điều kiện để tiếp tục vận hành an toàn nên ngành điện đã khôi phục trở lại việc cấp điện cho các phụ tải bị tiết giảm trước đó ở miền Bắc và miền Trung thì câu chuyện đáp ứng cấp điện trong những ngày sắp tới vẫn chực chờ căng thẳng vì dự phòng đã ở mức không còn đáng kể mà nắng nóng chưa hạ nhiệt.
Với tình hình thời tiết tiếp tục nắng nóng, nước về các hồ thuỷ điện thấp, tình hình thiếu than và khí vẫn nghiêm trọng, do đó việc cung cấp điện trong thời gian tới vẫn còn tiếp tục khó khăn. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ để kiến nghị chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện than, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ưu tiên nguồn khí cho sản xuất điện.