Pháp lý không thể “ngó lơ” forex, tiền ảo

0:00 / 0:00
0:00

Đầu tư forex, tiền ảo đang rộ lên ở Việt Nam, gây ra rất nhiều hệ lụy.

Tiền ảo tăng giá mạnh trong thời gian gần đây đã khiến nhiều nhà đầu tư mờ mắt lao vào đầu tư.

Tiền ảo tăng giá mạnh trong thời gian gần đây đã khiến nhiều nhà đầu tư mờ mắt lao vào đầu tư.

Tuy nhiên, đây là một trong những kênh đầu tư hiện hữu trên thế giới, thu hút nhiều nhà đầu tư tổ chức. Bởi vậy, việc bổ sung hành lang pháp lý cho kênh đầu tư này là rất cần thiết, ngay cả khi cơ quan quản lý muốn cấm.

Luật hổng, lừa đảo tiền ảo tung hoành

Thời gian qua, Báo Đầu tư đã liên tục thông tin về các mô hình tiền ảo đa cấp, tiền ảo “rác” cũng như những sàn forex có dấu hiệu lừa đảo.

Theo thông tin mà phóng viên có được, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) đã tiếp nhận đơn thư của nhà đầu tư và bắt đầu vào cuộc điều tra với một số sàn forex lừa đảo tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia và các luật sư, để có cơ sở xử lý tình trạng lợi dụng forex và tiền ảo để lừa đảo, hành lang pháp lý cần phải chặt chẽ hơn nữa.

“Một thực tế không thể phủ nhận là nhu cầu đầu tư vào forex và tiền ảo của một bộ phận nhà đầu tư tăng mạnh. Chúng ta đều biết, kinh doanh ngoại hối trái phép trên lãnh thổ Việt Nam sẽ bị xử lý, song hầu hết các sàn forex thành lập ở nước ngoài, thì có cơ sở xử lý ở Việt Nam hay không - đây là điều chưa rõ ràng. Khung pháp lý của Việt Nam còn nhiều kẽ hở. Lẽ ra, nếu muốn cấm, cơ quan chức năng phải có những công cụ mạnh hơn để chặn các sàn này hoặc nếu không chặn được thì cũng phải có đầy đủ các quy định và chế tài để xử lý vi phạm”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng khuyến nghị.

Theo chuyên gia này, các nước trên thế giới có nhiều cách ứng xử khác nhau với tiền ảo, forex. Có quốc gia thả tự do cho các sàn này hoạt động (thường là ở các thiên đường lừa đảo); có quốc gia cấm hoàn toàn kênh đầu tư này (Việt Nam, Trung Quốc…); có quốc gia cho phép hoạt động, nhưng phải tuân theo luật và phải có một số chứng chỉ nhất định.

Với những quốc gia cấm forex, tiền ảo hoạt động, đi kèm với quy định cấm là chế tài xử phạt nghiêm khắc cùng với việc truy quét gắt gao các website sàn forex, sàn giao dịch tiền ảo trái phép.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, cả hai công cụ này đều đang yếu, khiến các sàn forex lừa đảo, các đồng tiền ảo rác mọc ra như nấm sau mưa thời gian qua.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật Inteco cho biết, theo Điều 290 (Bộ luật Hình sự), thì hành vi “lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản” có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự và chịu án phạt lên tới 20 năm tù.

Tuy nhiên, để xử tội danh này, cần chứng minh 2 yếu tố: sử dụng thủ đoạn gian dối và chiếm đoạt tài sản. Việc chứng minh 2 yếu tố này là rất khó.

Kênh đầu tư siêu rủi ro, nhưng khó cấm

Tỷ suất sinh lời từ các kênh đầu tư truyền thống như tiết kiệm, bất động sản, vàng… ngày càng thấp, trong khi cơ hội nhân đôi, nhân ba tài khoản theo những lời quảng cáo từ kênh đầu tư forex, tiền ảo khiến nhiều nhà đầu tư mờ mắt lao vào đầu tư.

Theo quy định pháp luật hiện hành, mặc dù có thể truy cứu trách nhiệm hình sự những người có hành vi lừa đảo trong lĩnh vực buôn bán ngoại tệ trái phép, trong lĩnh vực forex, nhưng việc điều tra và chứng minh hành vi vi phạm không hề dễ.

Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật Inteco

Trên thực tế, nếu loại trừ các sàn forex lừa đảo, những loại tiền ảo rác, thì không thể phủ nhận, forex và tiền ảo đang ngày càng trở thành một kênh đầu tư “nóng” trên thế giới. Thị trường forex là thị trường đầu tư có quy mô lớn nhất thế giới với tổng quy mô giao dịch lên tới 6.600 tỷ USD/ngày tính tới cuối năm 2019.

Trong khi đó, giá trị vốn hóa tiền ảo hiện lên tới gần 580 tỷ USD, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư tổ chức tham gia.

Ông Thái Việt Dũng, đại diện Exness cho rằng, tỷ suất lợi nhuận của các kênh đầu tư truyền thống như tiết kiệm chỉ 6 - 8%/năm, bất động sản 8 - 12%/năm, khiến nhiều nhà đầu tư tìm đến các kênh đầu tư mới có thể mang lại lợi nhuận cao hơn như forex, tiền ảo.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng khuyến cáo, với đầu tư forex, nhà đầu tư nên cẩn trọng trong lựa chọn các sàn giao dịch ngoại hối, chỉ lựa chọn các sàn có giấy phép được cấp bởi các cơ quan tài chính có thẩm quyền (FCA, FSA), được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, tuyệt đối tránh các sàn tuyên bố có các chương trình khuyến mãi hay bao lời, bao cháy tài khoản.

Còn với tiền ảo, ông Dũng cho rằng, chỉ lựa chọn một số đồng tiền điện tử uy tín để đầu tư.

Đồng tình với ý kiến trên, luật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc điều hành ASL LAW cho biết, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, các kênh đầu tư mới như forex, tiền ảo đã xuất hiện, ngày càng hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư, khi các kênh đầu tư truyền thống như đầu tư chứng khoán hay vàng không còn là sự lựa chọn ưu tiên của họ.

Tuy nhiên, các kênh đầu tư mới này có thể mang lại những rủi ro cao và gây hậu quả lớn cho các nhà đầu tư, nhất là khi forex và tiền ảo không được pháp luật Việt Nam công nhận.

Các chuyên gia cho rằng, tại Việt Nam, việc Chính phủ cấm các kênh đầu tư forex, tiền ảo là dễ hiểu, bởi nếu công nhận, thì hệ lụy có thể sẽ khôn lường.

Tuy nhiên, dù có cấm, thì việc nhà đầu tư tham gia mở tài khoản trên các sàn forex hay “chợ” tiền ảo toàn cầu là rất khó cấm. Vì vậy, ngay cả khi tiếp tục cấm, việc bổ sung hành lang pháp lý là rất cần thiết, tránh trường hợp các sàn forex, tiền ảo lừa đảo lợi dụng tình trạng “mờ luật, hổng pháp lý” để lợi dụng, cướp tiền nhà đầu tư.

Tin bài liên quan