Ảnh Internet

Ảnh Internet

Xử lý tranh chấp qua trọng tài, không dễ thực thi

(ĐTCK) Các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng coi hoạt động trọng tài như là một phương thức linh hoạt và hiệu quả để giải quyết các tranh chấp, thay vì khiến kiện tại các tòa án Việt Nam. Với doanh nghiệp Việt Nam, hình thức này cũng sẽ sớm trở thành xu hướng.

Theo nhận xét của Euro Cham, doanh nghiệp nước ngoài thường chọn phương án giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài kinh tế. Tuy nhiên, khi vụ việc được đưa ra Trung tâm Trọng tài Việt Nam (VIAC), tòa án thường tăng cường can thiệp vào quy trình của VIAC.

Trong nhiều trường hợp, điều này dẫn đến việc chấm dứt quá trình trọng tài trước khi phán quyết được ban hành hoặc bỏ qua phán quyết đã được VIAC ban hành. Sự thoải mái của tòa án Việt Nam khi can thiệp để chấm dứt quy trình của VIAC, mà không có cơ sở hợp pháp và quyền kháng cáo thể hiện một trở ngại lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài khi tìm giải pháp khiếu kiện thông qua trọng tài ở Việt Nam.

Euro Cham cũng lưu ý doanh nghiệp về việc công nhận và thực thi phán quyết của trọng tài nước ngoài ở Việt Nam. Trên thực tế, trọng tài quốc tế thường được các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam lựa chọn khi gặp những tranh chấp đối với các hợp đồng giá trị lớn. Phán quyết của trọng tài quốc tế thường có hiệu lực tại phần lớn các khu vực tài phán trên thế giới theo Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành các phán quyết của trọng tài nước ngoài (NYC).

Đa phần các nước thành viên NYC áp dụng các điều khoản NYC, các nước công nhận và thi hành các phán quyết của trọng tài nước ngoài trong phạm vi quyền tài phán của nước họ. Tuy nhiên, Euro Cham phản ánh về những khó khăn trong việc đạt được sự công nhận và thi hành các phán quyết của trọng tài quốc tế thông qua tòa án Việt Nam. Vấn đề này đặc biệt liên quan đến các hợp đồng giá trị lớn trong lĩnh vực hàng hóa (sợi bông, cà phê, gạo, trà...).

Cụ thể, theo các điều khoản của NYC, nếu bên phải thi hành phán quyết phản đối việc thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, thì bên này cần đưa ra những bằng chứng để chứng minh cho sự phản đối của họ.

Tuy nhiên, trong thực tế, gánh nặng về bằng chứng bị các tòa án Việt Nam đảo ngược và bên được thi hành phán quyết bị yêu cầu chứng minh sự phản đối của bên phải thi hành phán quyết là không hợp pháp và không thể áp dụng được. Điều này khuyến khích bên phải thi hành phán quyết đưa ra phản đối nhiều nhất có thể để bên được thi hành phán quyết phải bác bỏ. Thực tiễn này vừa tốn thời gian vừa tốn kém chi phí cho bên được thi hành phán quyết.

Ngoài ra, NYC đưa ra những cơ sở rất hạn chế và mang tính đặc biệt khi bác bỏ một đơn xin công nhận và thi hành phán quyết. “Dường như các tòa án Việt Nam thường ban hành quyết định bác bỏ đơn xin công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài dựa trên những cơ sở thiếu thống nhất với điều khoản của NYC”, đại diện EuroCham nhận xét.

Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện những tín hiệu tích cực. Công văn số 246 về xử lý các yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết trọng tài thương mại và kinh doanh nước ngoài tại Việt Nam của TAND Tối cao đã yêu cầu các thẩm phán áp dụng chặt chẽ các điều khoản của NYC. Giới doanh nghiệp hy vọng hướng dẫn này sẽ được các tòa án ở cấp thấp hơn trên khắp Việt Nam tuân thủ và ứng dụng thống nhất trong thực tế.

Nhằm cải thiện hơn nữa việc công nhận và thi hành các phán quyết trọng tài thương mại và kinh doanh nước ngoài, đại diện EuroCham cho rằng, Việt Nam nên theo sát các thực tiễn quốc tế liên quan đến vấn đề này. Việc tự động tham chiếu tòa phúc thẩm trong mọi trường hợp khi đơn bị tòa sơ thẩm bác bỏ có thể là một giải pháp khác để cải thiện tình trạng này. Các hội nghị và khóa đào tạo cho thẩm phán của TAND địa phương và tòa phúc thẩm sẽ bảo đảm đào tạo bài bản về nội dung này.

Xử lý tranh chấp qua trọng tài, không dễ thực thi ảnh 1

Trong một thông điệp gửi doanh nghiệp gần đây, đại diện Bộ Công Thương  lưu ý rằng, mặc dù trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp rất được ưa chuộng hiện nay, song trên thực tế, có nhiều quốc gia không ủng hộ biện pháp này.

Khả năng thứ nhất là họ không muốn sử dụng công cụ pháp lý để giải quyết tranh chấp bởi vì các biện pháp ngoại giao sẽ đảm bảo cho việc giải quyết tranh chấp được quyết định bởi các bên. Khả năng thứ hai là vấn đề thực thi phán quyết của trọng tài còn chưa có sự đảm bảo chắc chắn. Mặc dù phán quyết của trọng tài được thừa nhận rộng rãi, tuy nhiên, việc thực thi phán quyết, hay hiệu lực của phán quyết trọng tài còn phụ thuộc vào ý thức và hành vi của các bên trong tranh chấp.

Tại Việt Nam, số liệu của VIAC cho thấy, số vụ tranh chấp được đưa ra giải quyết tại VIAC không ngừng tăng lên trong những năm qua. Trong đó, tranh chấp có yếu tố nước ngoài chiếm tỷ lệ lớn, Trung Quốc là quốc gia có nhiều doanh nghiệp tham gia giải quyết tranh chấp tại VIAC nhất. Đáng chú ý là trong đó có một số lĩnh vực tranh chấp trước đây chủ yếu được giải quyết tại tòa án như: tài chính, năng lượng, phân phối.   

Tin bài liên quan