Xử lý tài sản thế chấp, nhiều tình huống tréo ngoe

Xử lý tài sản thế chấp, nhiều tình huống tréo ngoe

(ĐTCK) Quyền sử dụng đất là tài sản bảo đảm rất phổ biến tại các ngân hàng. Khi xử lý tài sản bảo đảm, nhất là trường hợp bên thứ ba đứng ra bảo đảm, ngân hàng thường gặp nhiều rắc rối và phải theo đuổi các vụ kiện kéo dài.

Cho vay và nhận tài sản thế chấp, cầm cố của người thứ ba - không phải khách hàng vay vốn là việc phổ biến trong hoạt động ngân hàng. Từ Bộ luật Dân sự 2005 cho đến Bộ luật Dân sự 2015 đang có hiệu lực, đều có quy định về việc này.

Theo đó, cầm cố và thế chấp đều là việc một bên bảo đảm bất kỳ (có thể là khách hàng hoặc bên thứ ba) dùng tài sản để bảo đảm cho nghĩa vụ. Như vậy, khách hàng vay vốn có thể sử dụng tài sản của người khác để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ của mình.

Tuy nhiên, khi khoản nợ không được trả đúng hạn, ngân hàng cần xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ thì các khoản vay có tài sản bảo đảm của bên thứ ba thường xuất hiện nhiều tình huống tréo ngoe. Chẳng hạn, từng có ngân hàng mắc mứu với việc nhận tài sản bảo đảm là quyền sử dụng trên đất mà không đề cập đến tài sản trên đất.

Quá trình giải quyết tại tòa án cho thấy, trước khi có việc thế chấp, hai vợ chồng người con đã bỏ tiền xây nhà trên đất và giờ đây họ không chấp nhận việc xử lý nợ của ngân hàng, yêu cầu tòa án tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu.

Gần đây, SeAbank gặp một vụ kiện dai dẳng qua nhiều cấp xét xử, nhiều bản án mới có được phán quyết có hiệu lực. Theo đó, SeAbank cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Sơn Thủy (Công ty Sơn Thủy) vay 5,5 tỷ đồng từ năm 2009. Công ty này đưa 4 tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất vào thế chấp, đều của bên thứ ba.

Khi Công ty Sơn Thủy vi phạm nghĩa vụ trả nợ, SeAbank khởi kiện đòi 7,7 tỷ đồng nợ gốc và lãi. Trong số 4 tài sản bảo đảm, có một trường hợp đã được Ngân hàng giải chấp, một trường hợp đề nghị trả 2 tỷ đồng để rút tài sản thế chấp, 2 trường hợp còn lại đều có ý kiến phản đối và đề nghị tòa án xác định hợp đồng không có giá trị.

Cụ thể, trường hợp vợ chồng ông bà Nguyễn Thị Phương D. khai vay của Công ty Sơn Thủy 300 triệu đồng và thế chấp sổ đỏ. Sau đó, ông bà được mời ra quán café ký hợp đồng thế chấp, hợp đồng chỉ nêu giá trị thế chấp là hơn 1,5 tỷ đồng, không ghi rõ thế chấp cho khoản vay bao nhiêu. Bây giờ, họ chỉ đồng ý trả 400 triệu đồng cả gốc và lãi.

Trường hợp vợ chồng bà ông Đỗ Văn T. được chia thừa kế ở đường Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy (Hà Nội) nhưng ông T. đã đem thế chấp mà không nói với vợ. Nay vợ ông không chấp nhận yêu cầu phát mại của Ngân hàng và cho rằng, hợp đồng thế chấp vô hiệu.

Vì vấn đề xác định tài sản chung hay riêng của vợ chồng ông Đỗ Văn T. và phân chia nghĩa vụ bảo đảm đối với từng tài sản mà vụ án đã trải qua 2 lần xét xử sơ thẩm, 2 lần phúc thẩm và một quyết định giám đốc thẩm. Vừa qua, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã có bản án phúc thẩm, xác định nhà đất được chia thừa kế là tài sản riêng của ông Đỗ Văn T. và Ngân hàng được quyền xử lý tài sản để thu hồi nợ.

Tương tự, một vụ kiện của BIDV đòi Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Quốc tế (Công ty Quốc tế) số tiền 21,9 tỷ đồng và đề nghị được quyền xử lý 3 tài sản thế chấp nếu Công ty không trả được nợ đã kéo dài từ năm 2014 đến nay mới có được bản án có hiệu lực.

Những người đã chấp thuận đưa tài sản vào thế chấp cho rằng, họ chỉ cho mượn sổ đỏ để Công ty Quốc tế vay tiền và nay Ngân hàng đòi tiền thì Công ty phải có trách nhiệm trả nợ, rút sổ đỏ về trả lại và không chấp nhận phát mại. Một trường hợp khác khai, họ chỉ cho em trai mượn sổ đỏ và sau đó ký vào giấy tờ chuyển nhượng để giúp người em vay tiền. Bên thứ ba cho rằng mình bị lừa và yêu cầu chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật hình sự.

Mặc dù tòa án xác định, giao dịch thế chấp có hiệu lực pháp luật, Ngân hàng được quyền xử lý các tài sản bảo đảm để thu hồi nợ trong trường hợp Công ty Quốc tế không trả được nợ, nhưng các bên tốn không ít thời gian và chi phí để theo đuổi tiến trình giải quyết vụ kiện.

Có thể thấy, khi một bên chấp nhận đưa tài sản để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ của người khác thì chắn chắn giữa họ đã có những thỏa thuận, giao dịch khác mà ngân hàng - bên cho vay có thể không biết rõ.

Chỉ khi ngân hàng yêu cầu phát mại tài sản hoặc kiện ra tòa thì những thỏa thuận, giao dịch này mới vỡ lở. Dù quyền đòi nợ của ngân hàng được pháp luật bảo vệ nhưng vẫn có rủi ro giao dịch thế chấp bị xác định không có hiệu lực và tốn kém thời gian, chi phí để theo đuổi vụ kiện.

Tin bài liên quan