Các bị cáo tại tòa trong phiên xử chiều ngày 9/6 - Ảnh chụp qua màn hình

Các bị cáo tại tòa trong phiên xử chiều ngày 9/6 - Ảnh chụp qua màn hình

Xét xử vụ án Lừa đảo tại Dự án giãn dân phố cổ

(ĐTCK) Dù không phải chủ đầu tư, nhưng các bị cáo vẫn rao bán, ký hợp đồng góp vốn, thu 169,5 tỷ đồng của 146 lượt người góp vốn vào Dự án giãn dân phố cổ tại Khu đô thị Việt Hưng.

2h30 chiều ngày 9/5, sau khi vụ án bầu Kiên kết thúc, TAND TP. Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại dự án giãn dân phố cổ.

Theo tài liệu truy tố, tháng 5/2012, cơ quan công an nhận được nhiều đơn tố cáo Giám đốc CTCP Vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà (Công ty Hồng Hà) Trầng Ứng Thanh (SN 1947, trú tại phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thu tiền của nhiều người thông qua các hợp đồng góp vốn để thực hiện Dự án giãn dân phố cổ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Sau đó không thực hiện theo cam kết, không trả tiền mà bỏ trốn.

Kết quả điều tra xác định, Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ tại Khu đô thị Việt Hưng được UBND TP. Hà Nội giao cho UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện. Theo hình thức xã hội hóa, UBND quận Hoàn Kiếm đã kêu gọi các nhà đầu tư tham gia.

Cụ thể, ngày 23/8/2010, UBND quận Hoàn Kiếm ban hành văn bản giao Công ty Hồng Hà thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị xây dựng dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ.

Cũng trong ngày đó, UBND quận Hoàn Kiếm có công văn chấp thuận đề nghị của Công ty Hồng Hà: Công ty được mua 50 căn hộ chung cư cao tầng để cải thiện điều kiện ăn ở cho cán bộ công nhân viên Công ty và chấp thuận về mặt nguyên tắc cho Công ty được sử dụng kinh doanh với tỷ lệ 15% căn hộ trên tổng dự án mà Công ty bỏ vốn xây dựng.

Công ty Hồng Hà đã sử dụng 2 văn bản nói trên làm cho khách hàng tưởng rằng, Công ty là Chủ đầu tư dự án, được phép huy động vốn. Sau đó, Công ty Hồng Hà đã ký hợp đồng mua bán, góp vốn và nhận đặt cọc.

Từ ngày 1/9/2010 đến ngày 22/4/2011, Nguyễn Quốc Xương (SN 1958, trú tại phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Phó giám đốc Công ty Hồng Hà đã ký hợp đồng góp vốn đầu tư và thu hơn 70 tỷ đồng của 40 khách hàng. Nguyễn Đức Lợi, Tổng giám đốc CTCP Phát triển kinh tế Hà Nội đã ký hợp đồng với 2 khách hàng thu 8,5 tỷ đồng.

Khi phát hiện việc này, ngày 1/9/2010, Phòng Kinh tế quận Hoàn Kiếm đã mời lãnh đạo Công ty Hồng Hà họp báo cáo giải trình, tuy nhiên lãnh đạo Công ty đã không đến họp. Ngày 8/9/2010, UBND quận Hoàn Kiếm đã mời lãnh đạo Công ty Hồng Hà lên làm việc (có biên bản), yêu cầu giải trình về sự việc trên và nêu rõ: Công ty phải chấm dứt ngay việc rao bán các căn hộ thuộc dự án giãn dân phố cổ.

Đến ngày 14/12/2010, UBND Thành phố có văn bản gửi UBND quận Hoàn Kiếm và Công ty Hồng Hà, trong đó đề cập việc Công ty Hồng Hà không thực hiện các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư theo quy định mà lại tiếp tục có hành vi rao bán các căn hộ nằm trong dự án.

Ngày 18/3/2011, UBND quận Hoàn Kiếm đã mời Công ty Hồng Hà đến làm việc và thông báo chấm dứt việc nghiên cứu lập dự án giãn dân phố cổ. UBND quận Hoàn Kiếm cũng ban hành văn bản hủy bỏ công văn về việc giao cho Công ty Hồng Hà bỏ vốn xây dựng và được thi công dự án, yêu cầu Công ty chấm dứt hành vi rao bán căn hộ thuộc dự án giãn dân phố cổ.

Tuy nhiên, Công ty Hồng Hà vẫn tiếp tục ký hợp đồng, phụ lục hợp đồng nhận tiền đặt cọc với 104 lượt người, thu 90,9 tỷ đồng của các khách hàng.

Tổng cộng, từ ngày 1/9/2010 đến ngày 28/5/2012, đã có 146 người ký hợp đồng góp vốn vào dự án này và nộp cho các bị cáo của vụ án số tiền 169,5 tỷ đồng.

Từ năm 2010 đến tháng 6/2012, số tiền này CTCP Phát triển kinh tế Hà Nội và Công ty Hồng Hà đã sử dụng hết. Trên chứng từ và sổ sách kế toán ghi lý do tạm ứng phục vụ dự án mới, “phục vụ dự án Việt Hưng”, “chuyển vốn cho BQL dự án” với số tiền 86,1 tỷ đồng không có chứng từ hoàn ứng, không có giải trình chi tiết được sử dụng vào việc gì.

Cơ quan điều tra xác định, đến nay, CTCP Phát triển kinh tế Hà Nội và Công ty Hồng Hà chưa thực hiện được công việc gì của dự án. Khi khách hàng đến trụ sở để đòi tiền, công ty mới trả được 32,6 tỷ đồng, số còn lại 136,9 tỷ đồng không trả mà bỏ trốn.

Cùng bị truy tố với 3 bị cáo trên còn có Nguyễn Đức Thắng (SN 1950, trú tại phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội). Bốn bị cáo bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại điều 139 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Được biết, đối với dự án giãn dân phố cổ, sau một thời gian dài chuẩn bị, ngày 1/8/2013, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định cho phép UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ tại khu đô thị Việt Hưng, dự kiến khởi công cuối năm nay.

Tin bài liên quan