Tháng 7/2013, TSS bị UBCK rút giấy phép và ngưng hoạt động

Tháng 7/2013, TSS bị UBCK rút giấy phép và ngưng hoạt động

Vụ bắt lãnh đạo TSS: nhà đầu tư tố nhiều sai phạm

(ĐTCK) Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa bắt tạm giam hai lãnh đạo của CTCK Trường Sơn (TSS).

Theo đó, Hồ Hoài Nam (37 tuổi, trú tại phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội), Tổng giám đốc TSS và Nguyễn Trung Thành (35 tuổi, trú tại Phường 11, Quận 6, TP. HCM), Phó tổng giám đốc TSS đã bị bắt để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, TSS đã rút bớt các hoạt động trên TTCK như rút hoạt động môi giới và bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đặt vào diện kiểm soát đặc biệt. Đến tháng 7/2013, Công ty bị UBCK rút giấy phép và ngưng hoạt động.

Trong thời gian TSS chuẩn bị chấm dứt hoạt động môi giới, ĐTCK nhận được nhiều đơn thư của nhà đầu tư tố cáo những “lùm xùm” trong hoạt động.

Chẳng hạn, bà Trần Thị Vượng gửi đơn kêu cứu tới nhiều cơ quan chức năng và ĐTCK phản ánh về việc bà đột nhiên mắc nợ Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (nay là Ngân hàng TMCP Sài Gòn - SCB) hàng tỷ đồng, trong khi bà chưa từng vay nợ SCB.

Cụ thể, tại TSS có một số hợp đồng ứng trước tiền bán chứng khoán ngày T với SCB đứng tên Trần Thị Vượng. Theo đó, Phòng giao dịch Bạch Mai thuộc ngân hàng này cho một số nhà đầu tư của TSS vay ứng trước tiền bán chứng khoán niêm yết trong thời hạn 5 ngày (theo tìm hiểu của ĐTCK, tổng giá trị tất cả các hợp đồng này lên tới hàng chục tỷ đồng).

Quá trình làm việc với cơ quan điều tra, bà Vượng được biết có 4 hợp đồng ứng trước tiền bán chứng khoán mang tên bà, mỗi hợp đồng trị giá 1,6 tỷ đồng, ký kết vào tháng 5, tháng 7 và tháng 8/2011. Số tiền theo hợp đồng được chuyển vào tài khoản của TSS, thay vì tài khoản của bà.

Chồng bà, ông Khúc Xuyền cũng bị nợ 3 hợp đồng như vậy, mỗi hợp đồng 1,6 tỷ đồng và số tiền được yêu cầu chuyển vào tài khoản của TSS. Vấn đề là vợ chồng bà Vượng cho biết, họ không hề sử dụng dịch vụ này, không bán chứng khoán, không yêu cầu sử dụng dịch vụ ứng trước tiền bán, chữ ký trên các giấy tờ, hợp đồng cũng không phải của họ. Chỉ khi làm việc với cơ quan công an, vợ chồng bà mới bật ngửa trước số nợ hàng tỷ đồng tự dưng quàng vào cổ.

Sở dĩ bà Vượng phát hiện việc hợp đồng vay vốn giả mạo là từ tranh chấp liên quan đến giao dịch ký quỹ với TSS. Theo bà Vượng, năm 2009, bà, chồng bà và con trai bà mỗi người mở một tài khoản tại TSS. Quá trình đầu tư suôn sẻ cho đến tháng 5/2011, TSS đột ngột yêu cầu được làm việc với bà và thông báo, bà Vượng đang nợ 1,9 tỷ đồng do sử dụng dịch vụ ký quỹ thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư với TSS.

Bà Vượng không chấp nhận số nợ này bởi bà không đặt bất cứ lệnh mua bán nào trên tài khoản mang tên Khúc Xuyền và khẳng định, chữ ký trên các giấy tờ không phải của bà cũng như của chồng, con trai bà. Sau nhiều lần làm việc với CTCK, bà Vượng và nhân viên môi giới phụ trách tài khoản của bà Vượng có biên bản xác nhận trách nhiệm nợ là của nhân viên môi giới, do nhân viên này sử dụng tài khoản của bà để “đánh” chứng khoán.

Khi TSS ngừng cung cấp dịch vụ môi giới vào cuối năm 2011 thì tài khoản của bà Vượng bị phong tỏa. Trước nguy cơ mất trắng tài khoản trị giá nhiều tỷ đồng, bà Vượng đã làm đơn kêu cứu gửi tới các cơ quan chức năng như UBCK, Bộ Tài chính, Cơ quan điều tra Bộ Công an và nhiều cơ quan báo chí.

Sau khi thanh tra, UBCK đã ra quyết định xử phạt hành chính TSS vì đã vi phạm quy định về lưu trữ phiếu lệnh của nhà đầu tư. Tại TSS không có phiếu lệnh nào của tài khoản Khúc Xuyền được lưu trữ.

Còn cơ quan điều tra, sau một thời gian điều tra, xác minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam hai lãnh đạo của TSS.

Liên quan đến TSS, ĐTCK từng nhận được đơn thư của ông Phan Quang D. (TP. HCM), với nội dung: tháng 9/2011, ông D. với TSS ký 2 hợp đồng môi giới chứng khoán, theo đó, TSS sẽ tìm mua cho ông D. số lượng chứng khoán với tổng giá trị 4,1 tỷ đồng. Nếu hết thời gian thực hiện ghi trong hợp đồng mà TSS vẫn không tìm mua được chứng khoán, thì Công ty phải chuyển trả nhà đầu tư toàn bộ số tiền trên cùng lãi suất. Hết hạn hợp đồng, không mua được chứng khoán, ông D. yêu cầu TSS chuyển trả lại tiền, nhưng công ty này liên tục khất lần nghĩa vụ trả nợ.

Sau đó, ông D. có đơn thư gửi lên UBCK đề nghị cơ quan này xem xét giải quyết, đồng thời kiểm tra các vấn đề mà ông cho là TSS vi phạm pháp luật trong việc huy động vốn, sử dụng tiền không được sự cho phép của nhà đầu tư…            

Tin bài liên quan