Vì sao Công ty Gang thép Cao Bằng phát hành cổ phiếu chui?

Vì sao Công ty Gang thép Cao Bằng phát hành cổ phiếu chui?

(ĐTCK) Phạt tiền và buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán là hình phạt nặng ít khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) sử dụng, nhưng mới đây, hình phạt này đã được đưa ra trong vụ việc phát hành cổ phiếu ra công chúng năm 2015 của Công ty cổ phần Gang thép Cao Bằng. Nhiều nhà đầu tư đang đặt câu hỏi, liệu đây là lỗi cố ý hay vô tình của Công ty?

Ngày 4/5/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Gang thép Cao Bằng.

Cụ thể, phạt tiền 85 triệu đồng do nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn quy định trên 36 tháng (Công ty trở thành công ty đại chúng kể từ ngày 31/3/2011, có vốn điều lệ thực góp là 300 tỷ đồng và có 341 cổ đông. Tuy nhiên, đến ngày 26/12/2016, UBCK mới nhận được hồ sơ đăng ký công ty đại chúng của Công ty).

Đồng thời, Công ty Gang thép Cao Bằng bị phạt 350 triệu đồng do chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không đăng ký với UBCK.

Cụ thể, trong khoảng thời gian từ ngày 29/5/2015 đến ngày 1/7/2015, Công ty đã thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng tăng vốn điều lệ từ 385 tỷ đồng lên 430 tỷ đồng nhưng không đăng ký với UBCK.

Biện pháp khắc phục hậu quả, theo quyết định của Ủy ban là buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà cá nhân, tổ chức vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư. Thời hạn nhà đầu tư gửi yêu cầu là 60 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành.

Tổng mức tiền phạt đối với Công ty là 435 triệu đồng. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Theo một lãnh đạo UBCK, đây là lỗi vi phạm nghiêm trọng nên Ủy ban đã yêu cầu buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán. Trước đây, có rất ít trường hợp bị phạt như vậy.

Với trường hợp này, nhiều nhà đầu tư không khỏi băn khoăn, liệu đây có phải doanh nghiệp “vùng sâu vùng xa”, kém hiểu biết quy định pháp luật tới mức vô tình vi phạm? Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, đây là đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tuy nhiên, hầu như tất cả cổ đông đều không nộp tiền thực hiện quyền mua cổ phần (10.000 đồng/cổ phần), chỉ có 5 cổ đông lớn của Công ty thực hiện quyền mua cổ phần.

Vào thời điểm Công ty Gang thép Cao Bằng phát hành cổ phiếu, các đổ đông lớn đều là doanh nghiệp có quy mô khá lớn, có tên tuổi trên thị trường.

Cụ thể, theo dữ liệu công bố trước thềm Đại hội đồng cổ đông năm 2017 của Công ty Gang thép Cao Bằng, các cổ đông lớn bao gồm Tổng công ty Khoáng sản - Vinacomin góp 225 tỷ đồng, chiếm 52% vốn điều lệ; Công ty cổ phần Xây lắp điện 1 (PCC1) góp 107 tỷ đồng, chiếm 25% vốn điều lệ, Công ty cổ phần Khoáng sản Hà Giang góp 41,6 tỷ đồng chiếm gần 10% vốn điều lệ. Những doanh nghiệp trên đều có đại diện tham gia HĐQT của Công ty.

Do không nộp hồ sơ đăng ký chào bán với UBCK nên đợt phát hành không có bản công bố thông tin về mục đích huy động vốn, không có báo cáo làm rõ cổ đông mua cổ phần có bị hạn chế chuyển nhượng hay không, vì thế nhà đầu tư quan tâm đến vụ việc này đặt câu hỏi, không rõ Gang thép Cao Bằng có công bố thông tin đầy đủ để các cổ đông có quyền xem xét lựa chọn mua cổ phiếu phát hành thêm? Trên thực tế, từng có công ty phát hành cổ phiếu ra công chúng và chỉ dán thông báo ở trụ sở Công ty.

Báo Đầu tư Chứng khoán đã liên hệ với lãnh đạo Công ty Gang thép Cao Bằng để có thông tin rõ hơn về vụ việc. Một đại diện của Công ty cho biết, số tiền huy động cho đợt phát hành được sử dụng cho dự án đầu tư khu mỏ.

Thời điểm đó, Công ty đang rất khó khăn, nên hầu như không có cổ đông nhỏ lẻ đóng tiền mua cổ phần.

Trả lời câu hỏi, các cổ đông nhỏ lẻ có được cung cấp thông tin đầy đủ về đợt phát hành, vị đại diện khẳng định, họ đều được cung cấp thông tin đầy đủ. Vị đại diện cũng chia sẻ, sự việc này là bài học để Công ty rút kinh nghiệm nắm chắc và tuân thủ pháp luật chứng khoán.

Tin bài liên quan