“Vận dụng” Luật Phá sản để đòi nợ: Không phải lúc nào cũng hiệu quả

“Vận dụng” Luật Phá sản để đòi nợ: Không phải lúc nào cũng hiệu quả

(ĐTCK) Thực tế cho thấy, các quy định về phá sản doanh nghiệp thường được vận dụng như một công cụ đòi nợ. Tuy nhiên, không ít trường hợp chủ nợ "tiến thoái lưỡng nan" trước tình trạng phá sản của con nợ.

Thực tiễn thi hành Luật Phá sản những năm qua cho thấy, trong nhiều trường hợp, Luật được vận dụng để tạo sức ép buộc các đối tác phải trả nợ.

Chẳng hạn, trường hợp Công ty TNHH Tổng hợp XH (trụ sở ở Hạ Long, Quảng Ninh) nợ cá nhân ông Nguyễn Văn T. ( trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) số tiền 2 tỷ đồng. Khi số nợ quá hạn 7 tháng mà Công ty XH không trả nợ, ông T. đã có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp này.

Quá trình tòa án giải quyết, ông T. và Công ty XH đã đạt được thỏa thuận trả nợ. Theo đó, doanh nghiệp trả ngay cho ông T. số tiền 500 triệu đồng, phần còn lại sẽ trả nốt trong vòng 25 ngày sau đó. Sau khi thu hồi được nợ, ông T. đã có đơn đề nghị tòa án xem xét lại quyết định tuyên bố phá sản đối với Công ty XH.

Hay như trường hợp bà Phan Thị N. (trú tại TP.Thanh Hóa) đã có đơn yêu cầu tuyên bố doanh nghiệp phá sản đối với CTCP Đầu tư và xây dựng 125 - Cienco1. Công ty này nợ bà N. số tiền hơn 1,5 tỷ đồng cả gốc và lãi, cam kết chậm nhất đến tháng 7/2017 trả hết toàn bộ. Đến hạn, Cienco1 không trả được nợ và lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Năm 2018, bà N. nộp đơn yêu cầu Tòa án nhân dân TP.Thanh Hóa mở thủ tục tuyên bố phá sản đối với Cienco1.

Sau đó, tòa án đã ra quyết định mở thủ tục phá sản, tiến hành mở hội nghị chủ nợ. Theo đó, khi mở thủ tục phá sản, Cienco1 phải trả cho các chủ nợ hơn 201 tỷ đồng. Riêng số nợ phải trả Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - Chi nhánh Thanh Hóa là hơn 154 tỷ đồng. Số nợ mà Cienco1 phải đòi là 56,5 tỷ đồng.

Căn cứ vào tình hình thực tế, Hội nghị chủ nợ thông qua nghị quyết áp dụng biện pháp phục hồi kinh doanh đối với Cienco1. Dù vậy, sau 30 ngày, Công ty vẫn không xây dựng được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh. Do đó, tòa án quyết định mở thủ tục phá sản.

Thực tế, không phải chủ nợ nào cũng vui mừng trước việc mở thủ tục phá sản đối với con nợ. Chẳng hạn, trong vụ việc của Cienco1, ngân hàng đã đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa xem xét lại quyết định tuyên bố phá sản của tòa án cấp sơ thẩm. Đại diện ngân hàng cho biết, tuy toàn bộ tài sản Cienco1 thế chấp để đảm bảo cho các hợp đồng tín dụng đã được đưa ra xử lý, nhưng không đủ để thu hồi nợ.

Với tình trạng mất khả năng thanh toán, nợ quá nhiều, toàn bộ mặt bằng văn phòng và sản xuất tại số 168 Thành Thái, phường Đông Thọ, TP.Thanh Hóa của Cienco1 bị thu hồi và tiền bồi thường giải phóng mặt bằng khu đất này đều được sử dụng để trả nợ ngân hàng.

Về phía ngân hàng, do việc tuyên bố phá sản Cienco1 không giúp thu hồi thêm các khoản nợ, nên ngân hàng mong muốn doanh nghiệp phục hồi hoạt động thì mới có cơ hội thu được nợ trong tương lai. Tuy nhiên, ngân hàng không đưa ra được phương án giúp Cienco1 phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh, trong khi doanh nghiệp cũng không có khả năng hồi phục bởi không huy động được vốn do không còn uy tín, không còn khách hàng. Chính vì vậy, tòa án đã bác khiếu nại của ngân hàng, giữ nguyên quyết định tuyên bố phá sản.

Tòa án cũng xác định lại tư cách của ngân hàng là chủ nợ có bảo đảm. Các hợp đồng tín dụng giữa Cienco1 và ngân hàng đều được bảo đảm bằng tài sản trên đất tại số 168 Thành Thái. Hiện Cienco1 còn 272 triệu đồng tiền giải phóng mặt bằng đang lưu giữ tại Ban Giải phóng mặt bằng  TP.Thanh Hóa xác định chi trả cho ngân hàng.

Trường hợp Công ty XH, Agribank cũng là một trong số các chủ nợ. Tuy nhiên, người đại diện theo pháp luật của Công ty XH cam kết trả nợ cho ông Nguyễn Văn T. trước, sau đó mới tới ngân hàng. Công ty XH đề nghị Tòa phúc thẩm hủy quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

Trên cơ sở đề nghị của ông T., Công ty XH và xét một số thiếu sót tố tụng ở cấp sơ thẩm, Tòa án tỉnh Quảng Ninh đã hủy quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

Tin bài liên quan