Bị cáo Nguyễn Minh Hùng. Ảnh: Tuổi trẻ.

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng. Ảnh: Tuổi trẻ.

Từ vụ VN Pharma: Khi nào áp dụng việc bắt giữ ngay tại tòa?

(ĐTCK) Chiều 23/10, tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án VN Pharma buôn lậu thuốc ung thư,  HĐXX TAND Cấp cao tại TP HCM đã đọc quyết định tạm giam 90 ngày đối với bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VN Pharma) và Võ Mạnh Cường (người môi giới cho VN Pharma mua lô thuốc H-Capital).

Nhiều ý kiến cho rằng đây là tình tiết rất bất ngờ và ít khi xảy ra đối với các vụ án khác. Vậy trong trường hợp nào bị can, bị cáo bị bắt tạm giam? Thẩm quyền bắt giữ thuộc về ai?

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo Điều 88 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003, việc tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong các trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.

Hoặc đối với tội phạm ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ những trường hợp sau :

- Bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã;

- Bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử;

 - Bị can, bị cáo phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

Cơ quan ra lệnh tạm giam phải kiểm tra căn cước của người bị tạm giam và thông báo ngay cho gia đình người bị tạm giam và cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị tạm giam cư trú hoặc làm việc biết.

Điều 80 luật này cũng quy định thẩm quyền ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam. Những người này gồm Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện KSND và Viện kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án TAND và Toà án quân sự các cấp; Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn.

Người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt.

Cũng theo quy định tại điều luật này, khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người.

Pháp luật cũng quy định không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã quy định tại Điều 81 và Điều 82 của Bộ luật này.

Cũng theo luật sư Thơm, Điều 79 quy định, để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án thì Toà án trong phạm vi thẩm quyền tố tụng của mình hoặc người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật này có thể áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm.

Tin bài liên quan