Nguyên Chủ tịch HĐQT UAC chiếm đoạt tiền của 13 cá nhân mua căn hộ tại Dự án N04 Khu đô thị Đông Nam, nhưng UAC phải có trách nhiệm bồi hoàn số tiền cho các bị hại

Nguyên Chủ tịch HĐQT UAC chiếm đoạt tiền của 13 cá nhân mua căn hộ tại Dự án N04 Khu đô thị Đông Nam, nhưng UAC phải có trách nhiệm bồi hoàn số tiền cho các bị hại

Từ vụ N04 Đông Nam Trần Duy Hưng: Khi nào pháp nhân phải “thế mạng”?

(ĐTCK) Bất chấp có lỗi hay không có lỗi, pháp nhân vẫn phải gánh chịu bồi thường thiệt hại khi người đại diện thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao phó.

Khi phân xử, cơ quan tố tụng sử dụng nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự để “truy” đến cùng lỗi của cá nhân đối với việc thực hiện một loại tội phạm. Tức là, mức độ hành vi đến đâu, xét xử đến đó, cả về trách nhiệm hình sự và dân sự. Song không ít trường hợp, pháp nhân lại là chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, dù cá nhân là người phạm tội.

Khi nào pháp nhân bị “quàng” trách nhiệm này lên vai? Vấn đề này từng gây tranh luận gay gắt tại phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Phương Mai (SN 1960, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Bà Mai là cựu Chủ tịch HĐQT CTCP Tư vấn kiến trúc đô thị Hà Nội (UAC).

Theo truy tố, Nguyễn Phương Mai đã chiếm đoạt số tiền 29,3 tỷ đồng của 13 cá nhân mua căn hộ tại Dự án N04 Khu đô thị Đông Nam (đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Thời điểm phạm tội (năm 2011 - 2012), bà Mai là Chủ tịch HĐQT UAC.

Lợi dụng vị trí được giao, bị cáo Nguyễn Phương Mai đã giả mạo chữ ký của kế toán trưởng và thủ quỹ, con dấu để ký kết hợp đồng vay vốn, thỏa thuận vay vốn, hợp tác và lập phiếu thu của nhóm bị hại mua nhà. Số tiền chiếm hưởng, bị cáo không đưa vào hệ thống sổ sách và nhập tiền vào quỹ công ty, mà sử dụng chi tiêu cá nhân.

Một số bị hại giãy bày, họ được ký kết giao dịch, nộp tiền trực tiếp tại UAC. Tin tưởng dự án của Công ty, các nạn nhân thực hiện giao kết hợp đồng với người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, lúc đó là bà Nguyễn Phương Mai. Trước nguy cơ mất trắng tiền tỷ, các nạn nhân yêu cầu UAC phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Viện lý do Công ty không biết, không nhận khoản tiền trên, UAC đề nghị tòa án không chấp nhận yêu cầu từ phía bị hại. Luật sư của UAC cũng đưa quan điểm cho rằng, bản thân các giao dịch giữa bà Mai và các nạn nhân là vô hiệu tuyệt đối. Khi đó, theo nguyên tắc thì “ai nhận, người đó trả”.

Bác bỏ lập luận trên, luật sư Phạm Thành Tài (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại) chứng minh, các hợp đồng được ký kết là đúng pháp luật. Chủ thể là cá nhân có năng lực hành vi và người đại diện của UAC là bà Mai, với tư cách Chủ tịch HĐQT. Bà Mai là người duy nhất ký kết các hợp đồng vay vốn, thỏa thuận. Trước tòa, đại diện UAC cũng thừa nhận, việc ký kết của bà Mai là đúng thẩm quyền. Điều này phù hợp với Luật Doanh nghiệp và chủ trương chung của UAC thời điểm đó.

Dẫn chứng Điều 93, Bộ luật Dân sự, ông Tài phân tích, với tư cách là chủ thể độc lập, UAC phải chịu trách nhiệm dân sự từ các giao dịch mà pháp nhân xác lập. Khi người đại diện thực hiện hành vi nhân danh pháp nhân, thì hành vi của người đó đương nhiên phát sinh quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm dân sự của pháp nhân.

Mặt khác, tại Điều 618, Bộ luật Dân sự cũng quy định: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao”. Đồng nghĩa với việc, nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa trên, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên buộc UAC phải có trách nhiệm bồi hoàn số tiền cho các bị hại mua nhà. Đồng thời, buộc bị cáo Nguyễn Phương Mai có nghĩa vụ bồi thường cho Công ty số tiền tương ứng.

Thực tế, hoạt động của pháp nhân luôn được thực hiện thông qua người đại diện, hoặc thành viên của pháp nhân. Quy định này bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích của người bị thiệt hại, vì pháp nhân luôn được suy đoán là có khả năng kinh tế hơn cá nhân. Bất chấp có lỗi hay không có lỗi, pháp nhân vẫn phải gánh chịu bồi thường thiệt hại khi người đại diện thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao phó.

Pháp luật cũng vạch rõ, trường hợp người của công ty thực hiện công việc riêng của mình, hoặc làm nhiệm vụ của pháp nhân nhưng hành vi gây thiệt hại không liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ đó, thì pháp nhân không phải bồi thường thiệt hại.

Tin bài liên quan