Nhà đầu tư cần phân tích kỹ càng trước khi ra quyết định đầu tư

Nhà đầu tư cần phân tích kỹ càng trước khi ra quyết định đầu tư

Từ vụ JVC: Lãnh đạo cấp cao bị khởi tố, quyền lợi cổ đông nhỏ ra sao?

(ĐTCK) Ngày 24/6 vừa qua, CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật (JVC) bất ngờ công bố thông tin ông Lê Văn Hướng, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty bị tạm giam để phục vụ công tác điều tra. Quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông nhỏ sẽ ra sao? ĐTCK đã có cuộc trao đổi với luật sư Hồ Anh Khoa, Công ty Luật Basico xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, việc nhân sự cao cấp của DN bị khởi tố, điều tra, tình hình hoạt động của Công ty sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

Việc lãnh đạo DN vướng vào vòng lao lý là sự việc có tính chất bất thường đối với DN. Chưa bàn tới lý do, đúng sai, nhưng sự việc này chắc chắn ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của DN.

Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của sự việc này đối với mỗi DN là khác nhau, phụ thuộc vào vai trò, ảnh hưởng của cá nhân đó đối với DN; tính chủ động, khả năng xử lý sự kiện bất thường của từng DN và cả tính nhạy cảm trong ngành nghề kinh doanh của DN. Nhưng về cơ bản, ảnh hưởng của việc lãnh đạo cấp cao bị khởi tố có thể đưa về 2 khía cạnh chính: thông tin và quản trị - điều hành DN.

Luật sư Hồ Anh Khoa,
 

Trong trường hợp người bị bắt là cổ đông lớn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật thì DN có thể làm gì để ổn định hoạt động? Pháp luật quy định ra sao trong trường hợp này?

Nếu cá nhân bị bắt chỉ giữ tư cách cổ đông (thành viên góp vốn), không đảm nhận các chức danh quản lý tại DN thì sự việc sẽ tương đối tách biệt với hoạt động của DN.

Các giao dịch, quan hệ đối tác của DN có thể vẫn sẽ được tiến hành bình thường (trừ giao dịch có liên quan trực tiếp tới cá nhân cổ đông này). Nhưng cũng không thể nói sự việc hoàn toàn không ảnh hưởng tới DN, nhất là trong trường hợp cá nhân này là cổ đông lớn, có tầm ảnh hưởng nhất định tới thị trường. Lúc này, sự ảnh hưởng tới DN chủ yếu là theo khía cạnh thông tin như đã nói trên.

Trường hợp này, DN cần thực sự tỉnh táo, đánh giá đúng tính hình, sử dụng linh hoạt nhiều biện pháp, trong đó đặc biệt lưu ý biện pháp truyền thông, nhằm hạn chế tối đa những thông tin có thể ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động của DN.

Nhưng nếu cá nhân đảm nhiệm các chức danh quản lý của DN bị bắt thì tình hình sẽ phức tạp hơn rất nhiều. DN sẽ bị ảnh hưởng cả trên phương diện thông tin và quản trị điều hành. Dù vậy, DN là công ty cổ phần vẫn có thể vận dụng cơ chế pháp lý về miễn nhiệm, bãi nhiệm, bầu bổ sung thành viên HĐQT theo Điều lệ, Luật DN và các quy phạm pháp luật chuyên ngành (nếu cần) để ổn định hoạt động quản trị, điều hành DN. Với chức danh tổng giám đốc/giám đốc thì cần căn cứ thêm vào cơ sở pháp lý để xác lập chức danh này.

Có trường hợp sau khi lãnh đạo cấp cao bị bắt, công ty tổ chức ĐHCĐ để bầu người thay thế nhưng không thành công vì nhiều cổ đông lớn không đến dự họp. Với tình huống này, cổ đông nhỏ phải làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình?

Trường hợp triệu tập họp ĐHCĐ để giải quyết việc chức danh quản lý bị bắt và những vấn đề có liên quan, DN có thể căn cứ vào quy định về điều kiện tiến hành họp ĐHCĐ tại Điều lệ, Luật DN và các quy phạm pháp luật chuyên ngành (nếu cần).

Hiện tại, theo quy định tại Luật DN năm 2005 và Luật DN năm 2014, sau 2 lần triệu tập họp, tại lần thứ 3, cuộc họp ĐHCĐ sẽ được tiến hành mà không phụ thuộc vào tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp.

Các cổ đông nhỏ nên xem xét để có sự phối hợp, thống nhất được lợi ích và đặc biệt cần vận dụng triệt để các quyền của cổ đông, nhóm cổ đông đã được Điều lệ, Luật DN (và các quy phạm pháp luật có liên quan khác) quy định, để có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đơn cử như quyền yêu cầu triệu tập họp ĐHCĐ của cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ DN.

Nhiều công ty sau khi lãnh đạo bị bắt đã lộ ra những khoản lỗ khủng. Trong tình huống này, cổ đông cần ứng xử như thế nào?

Các cổ đông cần rút kinh nghiệm khi đầu tư. Thay vì xảy ra sự việc rồi mới tính đến phương án giải quyết, thì cần phải có sự thu thập thông tin, phân tích doanh nghiệp kỹ càng trước khi quyết định đầu tư.

Khi sự việc bất thường dạng này xảy ra, chính các cổ đông mới là nhân tố then chốt quyết định được vận mệnh của DN. Tôi nghĩ, việc lắng nghe, đóng góp những ý kiến thiết thực và đặc biệt có lòng tin vượt qua khó khăn bất thường cũng là một cách ứng xử mà các cổ đông nên xem xét khi DN rơi vào khủng hoảng nhân sự chủ chốt. Đương nhiên, cổ đông đặt niềm tin vào DN cũng phải dựa trên cơ sở phân tích thông tin, để chắc chắn mình không đặt lòng tin ở sai vị trí.                  

Cách đây khoảng nửa tháng, trên thị trường đã xuất hiện tin đồn ông Hướng bị bắt tạm giam khiến cổ phiếu JVC liên tiếp giảm sàn, từ mức hơn 20.000 đồng/CP xuống quanh 10.000 đồng/CP. Trước tình hình này, JVC đã có khẳng định, đó chỉ là tin đồn, mọi hoạt động của Công ty vẫn diễn ra bình thường.

Nhưng đến ngày 22/6, JVC công bố quyết định miễn nhiệm với ông Hướng và đến ngày 24/6 thì công bố việc ông Hướng bị bắt tạm giam. JVC cũng công bố thông tin bổ nhiệm tân Chủ tịch HĐQT là ông Kyohei Hosono.

Tin bài liên quan