Tù chung thân cho cán bộ Oceanbank rút khống 61 tỷ đồng

(ĐTCK) Liên quan đến vụ cán bộ Oceanbank lập hồ sơ không rút 61 tỷ đồng của ngân hàng, tại phiên tòa sơ thẩm, trong phần xét hỏi của các luật sư, lời khai của bị cáo chính Lê Minh Hằng và nguyên đơn dân sự Oceanbank đã hé lộ những lỗ hổng trong quy trình quản lý của ngân hàng.

Tù chung thân cho cán bộ Oceanbank rút khống 61 tỷ đồng

Cụ thể, Hằng đã sử dụng sổ tiết kiệm của 9 khách hàng, lập các hồ sơ cho vay cầm cố bằng giấy tờ có giá, chỉ đạo nhân viên hoàn thiện các hồ sơ cho vay trái với quy định. Hằng trực tiếp ký duyệt 39 hợp đồng này và ký mạo danh khách hàng trên giấy tờ cần thiết.

Lê Minh Hằng còn khai ngoài số hợp đồng cho vay cầm cố bằng giấy tờ có giá trong vụ án này đã từng có các hợp đồng khác được thực hiện sai quy trình tương tự. Số hợp đồng làm theo cách thức này tuy không nhiều nhưng khách hàng là thật và sau đó có trả lãi, trả gốc, tất toán khoản vay nên không phát sinh vấn đề gì.

Giải thích trước HĐXX về nguyên nhân vì sao Oceanbank không phát hiện các vi phạm của Hằng, đại diện Oceabank cho biết do Phòng giao dịch này mới hoạt động nên Chi nhánh Thăng Long chưa kiểm tra tại chỗ mà chỉ giám sát, theo dõi trên hệ thống mạng nội bộ. Trên hệ thống kế toán điện tử, Hằng đã chỉ đạo nhân viên hợp thức nên con số vẫn đảm bảo ăn khớp. Về hồ sơ thủ tục sai quy trình trên hệ thống không thể hiện.

Chỉ đến tháng 2/2011, qua kiểm tra tại chỗ mới phát hiện sai phạm. Oceanbank có quy định về kiểm tra, kiểm soát nội bộ hàng ngày nhưng kiểm tra tại chỗ thì theo định kỳ, theo kế hoạch. Nhưng cũng vì “theo kế hoạch” nên sau 2 năm kể từ khi Hằng lập các hợp đồng khống để rút tiền thì Oceanbank mới phát hiện.

Về trách nhiệm dân sự, đại diện Oceanbank yêu cầu Hằng phải hoàn trả số tiền 11,1 tỷ đồng và lãi phát sinh cho đến thời điểm Hằng trả tiền. Tuy nhiên, HĐXX nhắc Oceanbank theo quy định Hằng chỉ phải chịu số lãi phát sinh cho tới thời điểm bị khởi tố, thời gian truy tố, xét xử, bị cáo không phải trả lãi và sau này khi bản án có hiệu lực, việc tính lãi sẽ do cơ quan thi hành án xem xét.

Căn cứ vào hành vi, tính chất, mức độ phạm tội, đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án 20 năm tù giam cho Lê Minh Hằng, 8 – 9 năm tù giam với Phan Hồng Danh; 9 – 10 năm tù giam với Trần Ngọc Sơn; 7 năm tù giam với Trịnh Thị Thanh Thủy.

Trong phần tranh luận, các luật sư bảo vệ cho nhóm 3 bị cáo đồng phạm đều cho rằng truy tố các bị cáo này với vai trò đồng phạm giúp sức là không có căn cứ. Hồ sơ vụ án và kết quả thẩm vấn tại phiên tòa đều cho thấy Hằng không có sự trao đổi, bàn bạc với 3 bị cáo còn lại về việc rút tiền của ngân hàng. Chỉ đến khi có ngân hàng có đợt kiểm tra, các bị cáo mới biết không phải khách hàng vay tiền mà chính là Hằng lấy tiền.

Trước lập luận của các luật sư, đại diện Viện kiểm sát đã thay đổi quan điểm về tội danh của 3 bị cáo này và truy tố theo Điều 179 BLHS về tội Vi phạm các quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng.

Sau khi nghị án, HĐXX tuyên phạt Lê Minh Hằng tù chung thân, Trần Ngọc Sơn 18 tháng án treo, Trịnh Thanh Thủy 15 tháng án treo và Phan Hồng Danh 24 tháng tù giam do Danh có một tiền án về đánh bạc.

Tin bài liên quan