Truy nã toàn quốc cựu Tổng giám đốc PVTex Vũ Đình Duy

(ĐTCK) Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra quyết định truy nã đặc biệt toàn quốc đối với ông Vũ Đình Duy (SN 1975, ở quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội, nguyên Tổng giám đốc CTCP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí - PVTex, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam).
Ảnh truy nã Vũ Đình Duy.

Ảnh truy nã Vũ Đình Duy.

Trước đó, vào ngày 19/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVTex và CTCP Đầu tư và Xây lắp dầu khí Kinh Bắc (PVC.KBC).

Đồng thời khởi tố 5 bị can gồm: Trần Trung Chí Hiếu (nguyên Chủ tịch HĐQT PVTex), Vũ Đình Duy (nguyên Tổng giám đốc PVTex), Vũ Phương Nam (kế toán trưởng PVTex), Đào Ngọ Hoàng (nguyên Trưởng phòng thương mại hợp đồng PVTex), Đỗ Văn Hồng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVC.KBC).

Theo Cổng thông tin điện tử chính phủ, Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an cho biết, ông Duy đã xuất cảnh từ ngày 22/10/2016 và chưa nhập cảnh trở lại.

Được biết, ông Vũ Đình Duy từng giữ chức Tổng giám đốc PVTex từ ngày 15/7/2009 đến tháng 2/2014, sau đó bị giáng chức xuống Phó Tổng giám đốc.

Liên quan tới Công ty PVTex, đầu tháng 10/2016, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra về việc đầu tư xây dựng dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Đình Vũ do Công ty này làm chủ đầu tư.

Kết luận Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra những vi phạm góp vốn, chuyển nhượng vốn, thực hiện đầu tư và xây dựng dự án của chủ đầu tư PVTex.

Cụ thể, PVTex có 5 cổ đông sáng lập, vốn góp 160 tỷ đồng, trong đó PVN góp 62,4 tỷ đồng (39%), Vinatex góp 22,4 tỷ đồng (14%), Tổng CTCP Phong Phú góp 8 tỷ đồng (5%), Tổng công ty Tài chính cổ phần dầu khí góp 16 tỷ đồng (10%).

Quá trình thực hiện, Đại hội đồng cổ đông PVTex phê duyệt tăng vốn góp của PVN từ 39% lên 56%, đồng ý thoái vốn của 6 cổ đông khác. Tính đến ngày 31/12/2014, PVN sở hữu 74,005% vốn điều lệ tại PVTex (tương đương 1.602 tỷ đồng).

Theo quy định, Vinatex phải góp đủ vốn nhưng Vinatex chỉ góp vốn theo thỏa thuận với PVN ngày 15/12/2009. Theo đó, PVN cho Vinatex và Tổng CTCP Phong Phú vay vốn 311,6 tỷ đồng.

Đến ngày 27/12/2014, Vinatex và Tổng CTCP Phong Phú chuyển toàn bộ cổ phần cho PVN. Khoản nợ vốn góp được khấu trừ cho PVN.

Theo quyết định số 46 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2012-2015, PVN phải giảm tỷ lệ góp vốn tại PVTex từ 56% xuống tối thiểu 36%. Nghị quyết của PVN và Bộ Công thương đồng ý cho Vinatex và Tổng CTCP Phong Phú thoái vốn, làm tăng tỷ lệ vốn góp của PVN từ 56% lên 75% là chưa phù hợp.

Mặt khác, PVN và Vinatex không lập phương án, xác định thời điểm chuyển nhượng giá mua, giá bán trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Bộ Công thương là chủ sở hữu nhà nước tại PVN, Vinatex không thực hiện kiểm tra, giám sát chuyển nhượng vốn.

Hậu quả là PVN mua cổ phần với mệnh giá ban đầu là 10.000 đồng/cổ phần, trong khi dự án đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng, PVTex lỗ 1.472 tỷ đồng ngoài phương án tài chính của dự án. PVN phải gánh trách nhiệm lỗ hơn 278 tỷ đồng của Vinatex và Tổng CTCP Phong Phú.

Kết quả thanh tra cho thấy, quá trình thực hiện đầu tư dự án có dấu hiệu cố ý làm trái và/hoặc thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết, thực hiện hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãnh phí lớn vốn đầu tư.

Do đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra triệt để, mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Tin bài liên quan