Tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng EPC tại Lào, tập đoàn Vinachem bị nhà thầu kiện

(ĐTCK) Mới đây, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã khiếu nại về thẩm quyền trọng tài vụ kiện với Nhóm nhà thầu gồm CECO, INCODEMIC và Nga Sơn.
Tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng EPC tại Lào, tập đoàn Vinachem bị nhà thầu kiện

Vào năm 2012, Chính phủ Lào và Vinachem ký kết thỏa thuận khai thác và chế biến muối mỏ kali trên diện tích 10 km2 tại huyện Nongbok, tỉnh Khammounan, Lào.

Năm 2008, Vinachem thành lập Công ty TNHH Hóa chất và Muối mỏ Việt Lào (Vilachemsalt, công ty con chiếm 100% vốn điều lệ).

Năm 2015, Vinachem ủy quyền cho Vilachemsalt ký hợp đồng với liên doanh nhà thầu TTCL-K.UTEC.CECO.

Nhóm nhà thầu gồm 7 thành viên, được chia thành 2 nhóm, gồm nhóm 1: Công ty TNHH Đại chúng TTCL, Công ty Công nghệ muối K-UTEC, Công ty cổ phần Lilama 69-1; và nhóm 2: CTCP Thiết kế công nghiệp hóa chất - CECO, CTCP Tư vấn đầu tư và Xây dựng Incodemic, CTCP Thương mại và Dịch vụ Nga Sơn (gọi tắt là các đồng nguyên đơn).

Do phát sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng EPC, các đồng nguyên đơn đã khởi kiện Vinachem ra Hội đồng trọng tài VIAC. Vinachem đã có đơn khiếu nại về trọng tài.

Ngày 14/1/2020, Hội đồng trọng tài đã mở phiên họp giải quyết tranh chấp về thẩm quyền và xác định “Hội đồng trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp”.

Không đồng tình với quyết định trên, ngày 22/1/2020, Vinachem khiếu nại lên TAND TP. Hà Nội.

Theo Vinachem, Điều 1 hợp đồng thỏa thuận và khoản 20.2, Điều khoản và điều kiện hợp đồng, thẩm quyền của trọng tài chỉ bắt đầu sau khi tranh chấp đã được giải quyết thông qua Ban xử lý tranh chấp và Hòa giải hữu hảo. Tuy nhiên, một trong các bên chưa đồng ý với kết quả giải quyết, chưa giải quyết thông qua Ban xử lý và Hòa giải.

Mặt khác, căn cứ theo hợp đồng và quy định pháp luật Việt Nam, VIAC không đủ điều kiện về thẩm quyền thụ lý giải quyết tranh chấp liên quan và phát sinh từ hợp đồng EPC. Khoản 20.6 của hợp đồng cũng không quy định cụ thể tổ chức trọng tài nào giải quyết tranh chấp, chỉ nêu tranh chấp được giải quyết bởi trọng tài ở Việt Nam và theo các Quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC.

Vinachem cho rằng, theo khoản 5, Điều 43, Luật Trọng tài thương mại, các bên phải thỏa thuận lại về hình thức trọng tài hoặc tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp.

Trái lại, phía nhà thầu cho rằng, Vinachem đã đơn phương thực hiện các biện pháp thu hồi số tiền đã tạm ứng cho các nhà thầu mà không thanh toán, quyết toán khi chấm dứt hợp đồng. Điều này gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà thầu. Thực tế từ tháng 9/2016 đến tháng 1/2019, các bên đã có nhiều công văn trao đổi song không thống nhất được nội dung.

Tại phiên họp mới đây, Hội đồng thẩm phán TAND TP. Hà Nội nhận định, theo Điều 43, 44, Luật Trọng tài thương mại, tòa án chỉ thụ lý và giải quyết khiếu nại của Hội đồng trọng tài trong các trường hợp đương sự không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu hoặc không thể thực hiện được. Trong vụ án này, các bên có thỏa thuận trọng tài và thỏa thuận không bị vô hiệu.

Do đó, tòa án không chấp nhận đơn khiếu nại của Vinachem.

Theo báo cáo giữa niên độ 2019, Vinachem còn khoản phải trả trước cho bên bán tại Công ty Hóa chất và Muối mỏ Việt Lào là 294,8 tỷ đồng; trong đó, CTCP Thiết kế công nghiệp hóa chất là 208,8 tỷ đồng.

Vinachem vẫn đang hạch toán khoản tiền 1.724 tỷ đồng dự án thăm dò, khai thác, chế biến muối mỏ tại khoản xây dựng cơ bản dở dang. Dự án này đã dừng triển khai và đang thực hiện các thủ tục thanh lý hợp đồng với các bên liên quan.

Tin bài liên quan