Tranh chấp hợp đồng mua bán, “vin” vào đâu?

Tranh chấp hợp đồng mua bán, “vin” vào đâu?

(ĐTCK) Biên bản giao nhận hàng là cơ sở để xuất hóa đơn, nhưng biên bản đối chiếu nợ cũng là một căn cứ pháp lý quan trọng trong hợp đồng mua bán. Mới đây, Tổng công ty 36 phải xử lý món nợ của chi nhánh xảy ra từ 6 năm trước. 

Ngày 20/4/2012, Tổng công ty 36 đã ký văn bản ủy quyền cho ông Lương Văn Trinh, Giám đốc Công ty 36.65 thời kỳ đó (chi nhánh) sử dụng con dấu của Tổng công ty 36 ký kết hợp đồng mua vật tư, nguyên vật liệu, nhiên liệu phục vụ thi công xây dựng gói thầu số 8 phần xây dựng nâng cấp, mở rộng Trường Cán bộ phụ nữ Trung ương.

Giai đoạn năm 2012 - 2013, Công ty 36.65 đã ký hợp đồng mua bán thép với CTCP Thép và thương mại Hà Nội (gọi tắt là Công ty Thép). Giá cả được thỏa thuận tính theo từng thời điểm đặt hàng, cấp hàng. Thời hạn thanh toán theo lô hàng. Lãi suất chậm thanh toán là 0,09%/ngày. 

Hai bên đã ký 4 hợp đồng theo 21 hóa đơn mua hàng, tổng giá trị là hơn 20,3 tỷ đồng. Tổng công ty 36 đã thanh toán số tiền 17,1 tỷ đồng. 

Công ty Thép khởi kiện vì cho rằng tính đến ngày 31/12/2013, Tổng công ty 36 còn thiếu nợ số tiền 4,4 tỷ đồng.

Tổng công ty 36 đã thanh toán thêm 3 lần với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng; hiện còn dư nợ 3,1 tỷ đồng. Công ty Thép yêu cầu đòi lại số tiền gốc và lãi phát sinh đến năm 2016, tổng cộng là 7,2 tỷ đồng. Trường hợp hai bên có thiện chí hòa giải, Công ty chỉ yêu cầu lấy lại 2,5 tỷ đồng.

Tổng công ty 36 không đồng ý với phương án hòa giải. Còn căn cứ vào biên bản giao nhận, bảng tính thanh toán công trình thì Công ty Thép đã giao 982.020 kg thép, trị giá 16,7 tỷ đồng. Tổng công ty 36 thanh toán 17,1 tỷ đồng là vượt số tiền 383,6 triệu đồng.

Chứng cứ các bên xuất trình hiện có mâu thuẫn về số liệu. Theo các biên bản giao nhận hàng hóa thì so với hóa đơn có 150.444 kg thép không có chứng từ giao nhận nên Tổng công ty 36 từ chối thanh toán. Công ty Thép thừa nhận có một số hóa đơn bị thất lạc.

Tổng công ty 36 cho rằng, cần căn cứ vào “biên bản giao nhận hàng” vì đây là “cơ sở để bên bán xuất hàng hóa tài chính cho bên mua”.

Công ty Thép xuất hóa đơn với giá trị cao hơn so với biên bản giao nhận là không tuân thủ nguyên tắc bán hàng. Việc bên bán tính nợ cho số hàng chưa giao là không có cơ sở.

Còn một chứng cứ quan trọng khác là biên bản đối chiếu công nợ được lập ngày 31/12/2014 giữa Công ty Thép và Công ty 36.65 ghi tiền nợ là 1,05 tỷ đồng nhưng văn bản này không có dấu công ty.

Tổng công ty 36 và Công ty 36.65 đều không thừa nhận, coi đây là việc làm cá nhân của ông Lương Văn Trinh.

Bản án sơ thẩm đã buộc Tổng công ty 36 thanh toán số tiền nợ gốc và lãi là 4,3 tỷ đồng. Tổng công ty 36 không đồng tình nên kháng cáo lên cấp phúc thẩm.

Mới đây, Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội xác định việc Tổng công ty 36 từ chối thanh toán số thép không có chứng từ giao nhận là có cơ sở, nhưng căn cứ vào biên bản đối chiếu công nợ, Công ty phải thanh toán nợ gốc hơn 1,05 tỷ đồng.

Về khoản lãi do các bên thỏa thuận (0,09%/ngày) là quá cao nên Hội đồng xét xử căn cứ Ðiều 306, Luật Thương mại áp dụng lãi suất trung bình của 3 ngân hàng thương mại với lãi suất là 14,08%/năm (0,03%/ngày) để tính lãi suất chậm thanh toán là 511 triệu đồng. Tổng cộng số tiền Tổng công ty 36 phải thanh toán là 1,5 tỷ đồng.

Tổng công ty 36 (mã G36, sàn UpCoM) được cổ phần hóa từ năm 2016, hiện vốn điều lệ 936 tỷ đồng. Công ty có 5 công ty con, 3 công ty liên kết và 17 đơn vị hạch toán phụ thuộc (chi nhánh). 

Quý III/2019, công ty mẹ Tổng công ty 36 báo lãi sau thuế 7,1 tỷ đồng, giảm 73,75% so với cùng kỳ năm 2018; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 2 tỷ đồng, giảm 89,54% so với cùng kỳ năm 2018.

Công ty giải trình việc chênh lệch lợi nhuận quý III là do giá trị sản lượng các công trình chuyển tiếp sang năm 2019 thấp, một số công trình lớn đang trong giai đoạn thanh quyết toán, các hợp đồng ký mới ở giai đoạn thi công nên doanh thu bán hàng giảm so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Tổng công ty đạt doanh thu hợp nhất 937 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 1,8 tỷ đồng. Công ty ghi nhận khoản nợ phải trả là 4.700 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn là 1.560 tỷ đồng; hàng tồn kho là 1.397 tỷ đồng. 

Trong tháng 10/2019, Tổng công ty 36 đã quyết định thoái vốn tại CTCP 36.63, CTCP 36.64; CTCP 36.66 và hủy việc góp vốn vào CTCP 36.68. 

Tin bài liên quan