Tranh cãi trách nhiệm bồi thường ở công ty mẹ - con

Tranh cãi trách nhiệm bồi thường ở công ty mẹ - con

(ĐTCK) Hành vi trốn thuế của lãnh đạo Xí nghiệp Thương mại dịch vụ - chi nhánh Công ty cổ phần Tư vấn và thiết bị Toàn Bộ (Matexim) đã được làm rõ, song trách nhiệm bồi thường số tiền 12,8 tỷ đồng trốn thuế vẫn chưa ngã ngũ.

Ngày 12/2/2020, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên phạt ông Bùi Hữu Căn (sinh năm 1951, cựu Giám đốc Xí nghiệp Thương mại dịch vụ) mức án 26 tháng tù về tội Trốn thuế. Với hành vi này, ông Căn phải nộp lại 12,8 tỷ đồng.

Tòa cũng dành quyền khởi kiện cho ông Căn ở vụ án khác nếu chứng minh được cơ quan, tổ chức nào đang giữ số tiền trên.

Luật sư cũng cho biết, sau khi ra tù, ông Căn sẽ thực hiện quyền khởi kiện của mình.

Trước đó, các luật sư bào chữa cho ông Căn đều có chung ý kiến rằng, Matexim phải chịu trách nhiệm về số tiền trên.

Luật sư Hoàng Kim Thoa cho biết, Khoản 2, Điều 37 - Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định: “Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp…” .

Đồng thời, Khoản 3, khoản 4 Điều 92 Bộ luật Dân sự năm 2005 ghi rõ: “Chi nhánh không phải là pháp nhân”. 

Theo luật sư, Xí nghiệp Thương mại dịch vụ là chi nhánh hạch toán độc lập về thuế, có con dấu riêng, tài khoản ngân hàng riêng, sử dụng hóa đơn và báo cáo tình hình sử dụng, trực tiếp kê khai thuế, nhưng không có tư cách pháp nhân, chưa độc lập về tài sản.

Điều này thể hiện trong Quyết định của Giám đốc Matexim, đó là “toàn bộ lao động, tài sản của xí nghiệp đều do Công ty quản lý”.

Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh cũng nêu rõ, chi nhánh hoạt động theo ủy quyền. Vì vậy, luật sư cho rằng, trách nhiệm truy thu thuế phải thuộc về Matexim.

Thực tế quá trình tố tụng, tòa án từng trả hồ sơ để yêu cầu bổ sung thêm các tài liệu gồm Điều lệ của Matexim, Quy chế hoạt động của Xí nghiệp Thương mại dịch vụ để xác định trách nhiệm của ông Căn. Các luật sư cho biết, cơ quan điều tra đã không bổ sung những nội dung này.

Luật sư Thoa cũng cho rằng, theo quy định của Luật Kế toán, sau khi kết thúc năm tài chính, chi nhánh sẽ phải gửi báo cáo tài chính về công ty mẹ để lập báo cáo tài chính hợp nhất.

Do đó, ông Căn không thể sử dụng toàn bộ số tiền thuế giá trị gia tăng (VAT) được khấu trừ trong giai đoạn 2009-2011 (thời điểm xảy ra hành vi phạm tội), mà chỉ được dùng trong phạm vi nhất định theo ủy quyền của Matexim.

Được biết, Matexim thành lập từ năm 1969, hoạt động chính là khai thác mỏ, luyện kim, kinh doanh thương mại, dịch vụ.

Công ty được cổ phần hóa từ năm 2007 và hiện có vốn điều lệ 222 tỷ đồng. Matexim là thành viên của Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM), do VEAM nắm giữ 51 % vốn điều lệ.

Vào tháng 12/2011, Matexim có văn bản thông báo giải thể Xí nghiệp Thương mại dịch vụ. Toàn bộ sổ sách, giấy tờ có liên quan đến hoạt động của Xí nghiệp được chuyển về Công ty lưu giữ.

Đại diện Matexim cho hay, Xí nghiệp thương mại dịch vụ được thành lập và hoạt động theo phân cấp của Công ty.

Mặc dù cổ phần hóa đã lâu, song Matexim chưa đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, nên thông tin về hoạt động nói chung, tình hình tài chính nói riêng rất hạn chế.

Tại Báo cáo thường niên năm 2018 của VEAM, năm 2017, Matexim đạt 1.310,6 tỷ đồng doanh thu thuần, biên lợi nhuận gộp là 2,5% và lãi trước thuế 11,2 tỷ đồng.

Năm 2018, Matexim hoàn thành vượt 7% kế hoạch doanh thu thuần với 1.399,3 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt 4%, nhưng lãi trước thuế chỉ nhỉnh hơn năm 2017, đạt 11,5 tỷ đồng.

Theo báo cáo này, hoạt động khai thác mỏ và luyện kim chưa phát huy hiệu quả đầu tư. Matexim đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng hình thức phát hành thêm cổ phiếu.

Theo cáo buộc, ông Bùi Hữu Căn đã mua 711 số hóa đơn (liên 2), với tổng giá trị hàng hóa ghi trên hóa đơn chưa tính thuế VAT là hơn 138 tỷ đồng của 9 công ty “ma”. Bị cáo đã dùng các hóa đơn này để kê khai, báo cáo thuế cho Xí nghiệp Thương mại dịch vụ để được hợp thức thuế đầu vào số hàng hóa mua trôi nổi trên thị trường nhằm trốn thuế là 12,8 tỷ đồng. Các đối tượng mua bán hóa đơn đã bị xử lý hình sự vào năm 2016.

Tin bài liên quan