Trách nhiệm vỡ ống nước Sông Đà, có tên nhưng không có… tội!

Trách nhiệm vỡ ống nước Sông Đà, có tên nhưng không có… tội!

Cơ quan có trách nhiệm đang truy tìm các cá nhân, tập thể phải chịu trách nhiệm trong sự cố vỡ đường ống cấp nước từ sông Đà cho TP. Hà Nội của Tổng công ty cổ phần Vinaconex và tất nhiên, theo lẽ thường, chỉ có thể túm được người có tóc!

Bộ Xây dựng… không có tóc!

Có một thực tế là, sau 9 lần vỡ đường ống, Tổng công ty cổ phần Vinaconex đang một mình chịu trận, còn nếu theo lý giải của ông Chánh văn phòng Bộ Xây dựng, thì có thêm… Bộ Tài chính, trong khi cơ quan chịu trách nhiệm trước Nhà nước về quản lý nhà nước về xây dựng lại đang ở một vị trí rất an toàn!

Việc được giao làm chủ đầu tư, sau đó lập ra công ty con sản xuất đường ống composit cốt sợi thủy tinh để cung cấp sản phẩm chính cho Dự án và thành lập thêm một công ty để trực tiếp vận hành khai thác toàn bộ công trình, đương nhiên Vinaconex phải chịu trách nhiệm về sự cố. 

Tuy vậy, từ tháng 2/2012, khi đường ống dẫn nước cung cấp cho 70.000 hộ dân Hà Nội bị vỡ, cho đến lần vỡ thứ 9 (ngày 12/7/2014), dư luận rất băn khoăn, bởi sự “cô đơn khó hiểu” của Vinaconex khi chịu trận. Cùng với sự băn khoăn đó, câu hỏi được đặt ra là, cơ quản quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng có vai trò như thế nào khi sự cố xảy ra?

Sau lần vỡ thứ 7, khi Bộ Xây dựng quyết định tiến hành kiểm tra và cho tới lần thứ 8, thứ 9, thì vai trò của cơ quan thay mặt Nhà nước chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực này đã thể hiện rõ. Về mặt trách nhiệm, họ sẽ là người đứng ngoài!?

Trước tiên, theo quan điểm của ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), tại thời điểm khi tiến hành đầu tư và hoàn thành để đưa vào khai thác, công trình không thuộc danh mục công trình được Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng kiểm tra hay nghiệm thu. Trách nhiệm chung về quản lý nhà nước các công trình xây dựng trên địa bàn, theo đó, thuộc chính quyền địa phương.

Điều này có nghĩa là, ngoài nhà đầu tư Vinaconex - đương nhiên - đứng thứ hai trong hàng trách nhiệm phải là chính quyền TP. Hà Nội (?).

Không chỉ có vậy, mới đây,  ông Đỗ Đức Duy, Chánh văn phòng Bộ Xây dựng và là người phát ngôn Bộ Xây dựng còn cho biết thêm: “Bộ Xây dựng không phải là cơ quan chủ quản của Vinaconex, Vinaconex là tổng công ty cổ phần. Đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Vinaconex là Tổng công ty Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trực thuộc Bộ Tài chính”.

Như vậy, từ những tuyên bố của các quan chức Bộ Xây dựng, có thể hiểu, ngoài Hà Nội, sẽ có thêm Bộ Tài chính là cơ quan phải chịu trách nhiệm trong sự cố vỡ đường ống nước và Bộ Xây dựng tiếp tục đứng ngoài cuộc (?).

Vẫn còn những lấn cấn

Trước tiên, cần phải thấy rằng, quan điểm của ông Chánh văn phòng Bộ Xây dựng về việc “Bộ Xây dựng không phải là cơ quan chủ quản của Vinaconex”, xem ra chưa hoàn toàn thuyết phục.

Bởi lẽ, có thể khẳng định, Vinaconex bắt đầu thi công tuyến ống giai đoạn I được từ năm 2005 và khi đó, có thể khẳng định, Vinaconex là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng, vì trong Niên giám điện thoại ngành xây dựng năm 2007, phần “Các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng” có ghi rõ: “Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam”. 

Như vậy, theo lý giải của ông Chánh văn phòng Bộ Xây dựng, nếu chia Dự án làm hai giai đoạn là đầu tư xây dựng và khai thác vận hành, thì ít nhất, khi tiến hành xây dựng, việc kiểm soát chất lượng và chịu trách nhiệm về chất lượng công trình, Bộ Xây dựng đóng vai trò kép, khi họ vừa là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng, vừa là cơ quan chủ quản của doanh nghiệp đầu tư và thực hiện xây dựng công trình.

Mặt khác, Điều 37 của Nghị định 209/2004/NĐ - CP  của Chính phủ ngày 16/12/2004 có quy định rõ: “Bộ Xây dựng thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trong phạm vi cả nước”.

Sau này, khi công tác quản lý xây dựng được thực hiện theo Nghị định 15/2013/NĐ - CP ngày 6/2/2013, thì tại điểm a, Điều 21 cũng quy định rõ  ràng như sau: “Cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Xây dựng và Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành quy định tại Khoản 2, Điều 41, Nghị định này thẩm tra thiết kế các công trình theo chuyên ngành quản lý, bao gồm: Công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng do Bộ trưởng Bộ quản lý công trình chuyên ngành quyết định đầu tư; công trình cấp I, công trình cấp đặc biệt và công trình quan trọng quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao”.

Sẽ còn nhiều ý kiến tranh luận để có câu trả lời đúng nhất cho câu hỏi: Ai phải chịu trách nhiệm về sự cố này, thậm chí đã có ý kiến đề nghị thanh tra phải vào cuộc.

 Nhưng có thể thấy rằng, việc đường ống dẫn nước, công trình một thời được coi là điểm sáng của Vinaconex, thậm chí, ngày 13/11/ 2010, công trình còn được tuyển chọn để trao Cup vàng chất lượng xây dựng. Khi đó, đại diện cho Tổng công ty đón nhận Cup vàng, cũng như cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng đã không thể lường được rằng, chỉ chưa đầy 4 năm sau, công trình do họ xây dựng lại có thể tệ đến vậy.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu thanh tra toàn diện đường ống nước sạch Sông Đà. Về phía Bộ Xây dựng, Bộ giao Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình và xây dựng chủ trì tổ chức giám định sự cố, làm rõ nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, cũng như đề ra các biện pháp xử lý. Người phát ngôn của Bộ Xây dựng khẳng định, sẽ ủng hộ việc Thanh tra Chính phủ vào cuộc xử lý các vấn đề liên quan đến sự cố này.

Tin bài liên quan