Tố tụng kéo dài trong vụ kiện Tổng công ty Cà phê Việt Nam

Tố tụng kéo dài trong vụ kiện Tổng công ty Cà phê Việt Nam

(ĐTCK) Giao dịch giữa các bên được thực hiện từ năm 1998 – 2000. Tranh chấp phát sinh từ năm 2006 nhưng đến nay, với 5 lần xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, 2 lần giám đốc thẩm, sự việc tại Tổng công ty Cà phê Việt Nam vẫn chưa có được quyết định cuối cùng.

Theo nội dung vụ kiện, từ năm 1998 - 2000, vợ chồng ông Hoàng Trọng Như S. và bà Nguyễn Thị Thùy M. có mua bán với Công ty Cà phê B. Đây là công ty con của Tổng công ty Cà phê Việt Nam và hiện đã được chuyển thành chi nhánh của Tổng công ty, hạch toán phụ thuộc.

Công ty B mua cà phê của khách hàng và cho khách hàng vay tiền. Cụ thể, khi khách hàng có cà phê nhập vào kho của Công ty thì Công ty cho vay số tiền bằng 70% giá trị cà phê gửi kho với lãi suất 0,9 – 1,1%/tháng. Khách hàng cầm cố cà phê đã gửi kho để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ. Khi nào khách hàng bán cà phê thì chốt giá và trả nợ tiền vay và tiền lãi.

Theo vợ chồng ông S, ông bà có giao cho ông H. là người làm thuê trực tiếp đến gửi cà phê 12 lần tổng cộng hơn 142.000 kg cà phê nhân xô và vay Công ty 1,1 tỷ đồng. Có 8 phiếu gửi cà phê mang tên vợ chồng ông S. với hơn 80.000 kg cà phê; 4 phiếu gửi cà phê mang tên ông H. với 61.900 kg cà phê.

Đến năm 2006, giá cà phê tăng, vợ chồng ông S. quyết định bán số cà phê nói trên cho Công ty nhưng Công ty B lại thông báo số cà phê vợ chồng ông S. gửi chỉ còn 3 tấn. Không giải quyết được, vợ chồng ông S. đã khởi kiện ra tòa án.

Đại diện Tổng công ty Cà phê Việt Nam cho biết, ông H. là người nhập kho cà phê. Do giá cà phê giảm mạnh nên giá trị cà phê nhập kho không đủ trả nợ. Hai bên đã đối chiếu công nợ và gia hạn thời gian trả nợ. Cụ thể, Công ty đề nghị ông H. bán cà phê để trả nợ dần, không để phát sinh thêm chi phí bảo quản sau thu hoạch. Ông H. đã bán 2 lần, tổng số hơn 135.000 kg cà phê, trả nợ cho Công ty khoảng 1,9 tỷ đồng. Số cà phê còn lại là hơn 6.700 kg cà phê.

Theo vị đại diện này, 8 phiếu nhập kho cà phê mang tên vợ chồng ông S. là do ông H. viết. Ông H. cũng là người vay tiền Công ty. Việc khởi kiện của vợ chồng ông S. là không có căn cứ. Trong khi đó, ông H. khai toàn bộ số cà phê nhập kho Công ty là của ông, khoản vay 1,1 tỷ đồng cũng do ông vay. Do quen biết vợ chồng ông S. nên nhiều lần lấy tên vợ chồng ông S. để gửi cà phê vào kho Công ty B.

Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án có nhiều lời khai mâu thuẫn, thay đổi lời khai khiến cho vụ án rối rắm. Chẳng hạn, trước đó, ông H. có bản tự khai thừa nhận số cà phê và số tiền vay nêu trên là của vợ chồng ông S. Thực chất là vợ chồng ông S. đã bàn bạc và yêu cầu ông thừa nhận như trên để khởi kiện, tiền thu được sẽ chia cho ông H. một phần.

Nhưng từ năm 2002, trước khi tranh chấp xảy ra, ông H. có văn bản gửi Công ty thừa nhận có 4 phiếu gửi cà phê nhân xô với hơn 61.900 kg tại Công ty.

Cựu giám đốc Công ty Cà phê B. từng thừa nhận Công ty có nhận của vợ chồng ông S. hơn 142.000 kg. Tại biên bản hòa giải năm 2006, các bên đều thừa nhận có quan hệ giao dịch làm ăn. Nhưng sau này, Công ty B lại phủ nhận không biết vợ chồng ông S; sở dĩ vợ chồng ông bà S. có phiếu gửi là do Công ty... nhầm lẫn.

Cho rằng còn nhiều mâu thuẫn trong lời khai nhưng chưa được đối chất làm rõ, Tòa cấp phúc thẩm đã quyết định hủy án sơ thẩm giao về cấp sơ thẩm giải quyết lại.

Được biết, vụ án đã qua nhiều lần giải quyết. Bản án sơ thẩm lần đầu tiên được tuyên vào năm 2007, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông S. Bản án phúc thẩm sau đó đã hủy án sơ thẩm, giao cấp sơ thẩm giải quyết lại từ đầu.

Tiếp đó việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm lần 2 được thực hiện vào năm 2008. Nhưng đương sự có đơn khiếu nại đối với bản án phúc thẩm. Năm 2012, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm. Quyết định giám đốc thẩm ban hành năm 2013 đã quyết định hủy án, giao tòa cấp sơ thẩm giải quyết lại từ đầu.

Năm 2015, Tòa án xét xử sơ thẩm vòng 3. Bản án sơ thẩm và phúc thẩm bác đơn khởi kiện của nguyên đơn. Năm 2016, nguyên đơn tiếp tục đề nghị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm. Lần này, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng ra quyết định kháng nghị, đề nghị hủy án. Sau đó, Tòa án ban hành quyết định giám đốc thẩm hủy án phúc thẩm và sơ thẩm, giao về Tòa án nhân dân thị xã Buôn Hồ giải quyết lại từ đầu.

Năm 2018, Tòa xét xử sơ thẩm lần thứ 4, tiếp tục bác đơn khởi kiện của nguyên đơn. Tháng 11 vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Đắc Lắc đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, quyết định chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, hủy án sơ thẩm, giao về cấp sơ thẩm giải quyết lại.

Như vậy, vụ án còn tiếp tục kéo dài với lần xét xử sơ thẩm lần thứ 5.

Tin bài liên quan