Tổ chức ĐHCĐ: Lỗi nhỏ, hậu quả có thể lớn

Tổ chức ĐHCĐ: Lỗi nhỏ, hậu quả có thể lớn

(ĐTCK) Sau mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) năm nay, vẫn còn nhiều bức xúc từ cổ đông xung quanh vấn đề tổ chức đại hội.

ĐHCĐ thường niên 2019 của CTCP Nhựa Đồng Nai (mã DNP) có phần thảo luận kéo dài với nhiều ý kiến chất vấn xung quanh chuyện công bố tài liệu họp quá muộn.

Một cổ đông đại diện cho hơn 5 triệu cổ phiếu có quyền biểu quyết cho biết, thời gian DNP công bố thư mời họp (25/4/2019) đến ngày họp (5/5/2019) "vừa khít" tối thiểu 10 ngày theo quy định và tài liệu được công bố trên website Công ty, nhưng khi truy cập vào website thì tất cả đường link tài liệu họp (bao gồm Báo cáo hoạt động HĐQT, Báo cáo hoạt động của Ban Tổng giám đốc, Báo cáo hoạt động Ban Kiểm soát của năm 2018, kế hoạch sản xuất kinh doanh 2019, tờ trình Phân phối lợi nhuận…) đều không truy cập được.

Mặc dù cổ đông đã nhiều lần liên hệ với DNP phản ánh và yêu cầu khắc phục, nhưng đến tận ngày 3/5 lỗi mới được sửa và cổ đông mới biết nội dung các tài liệu.

Đại diện DNP giải trình với cổ đông rằng, nguyên nhân là do “trục trặc kỹ thuật” và "vướng" kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, bộ phận IT không làm việc nên không thể sửa kịp, Công ty xin rút kinh nghiệm.

Ngoài vấn đề thời gian, cổ đông DNP còn bức xúc về tình trạng tài liệu phát tại ĐHCĐ và tài liệu đăng tải trên website khác nhau. Chủ tọa Đại hội cho biết, thời điểm lập báo cáo thường niên khác với thời điểm lập các báo cáo khác nên thông tin có sự chênh lệch.

Tuy nhiên, giải trình này không thuyết phục được nhiều cổ đông, thậm chí có cổ đông đã đề nghị biểu quyết về việc dừng ĐHCĐ vì cho rằng công tác tổ chức có quá nhiều thiếu sót.

Một trường hợp khác là CTCP Nước giải khát yến sào Khánh Hòa (mã SKV), trước kỳ ĐHCĐ, SKV nhận được một phiếu biểu quyết từ xa kèm theo văn bản góp ý, trong đó than phiền về vấn đề tài liệu ĐHCĐ.

Cụ thể, cổ đông này phản ánh rằng, mặc dù SKV đã đăng tải tài liệu ĐHCĐ trên website, nhưng cổ đông không đọc được vì bị lỗi. Cổ đông này đã liên lạc đến Công ty phản ánh việc này và đề nghị khắc phục, nhưng đến sát ngày ĐHCĐ diễn ra vẫn chưa hoàn thành, dẫn đến không nắm được nội dung tài liệu, các báo cáo, tờ trình để biểu quyết.

Cuối cùng, vị này đành phải gửi phiếu biểu quyết từ xa với ý kiến “Không ý kiến” với tất cả các tờ trình, nghị quyết của phiên họp. Dù sở hữu lượng cổ phiếu ít ỏi, cổ đông này vẫn yêu cầu SKV ghi nhận ý kiến biểu quyết vào kết quả kiểm phiếu phiên họp.

Mới đây, một cổ đông nắm giữ hơn 1,3 triệu cổ phần của CTCP Cao su Sao Vàng (mã SRC) có đơn kiến nghị cho rằng, nhiều cổ đông không nhận được thông báo mời họp, cho dù cổ đông có địa chỉ rõ ràng.

Điều lệ Công ty quy định, thư mời phải gửi chậm nhất trước thời điểm diễn ra ĐHCĐ 15 ngày, nhưng trước 9 ngày cổ đông này mới nhận được thư (ngày họp  là 27/4, ngày nhận được thư là 18/4).

Trước đây, Luật Doanh nghiệp 2005 quy định người triệu tập ĐHCĐ phải gửi thư mời kèm tài liệu họp bằng văn bản tới các cổ đông.

Để tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp 2014 cho phép doanh nghiệp thay thế việc gửi tài liệu họp bằng việc đăng tải lên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế, nhiều trường hợp việc đăng tải xảy ra lỗi, khiến cổ đông không tiếp cận được tài liệu họp.

Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp thường giải thích là do “sơ sót, khó tránh khỏi" và "xin rút kinh nghiệm”. Tuy nhiên, trình tự thủ tục tổ chức ĐHCĐ đã được quy định rõ ràng trong Luật Doanh nghiệp. Nếu có tranh chấp căng thẳng hơn, đây là một trong những căn cứ để cổ đông yêu cầu tòa án hủy nghị quyết ĐHCĐ.

Điều 147 Luật Doanh nghiệp:

Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được biên bản họp ĐHCĐ hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến ĐHCĐ, cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại Khoản 2, Điều 114 của Luật có quyền yêu cầu tòa án hoặc trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết ĐHCĐ trong các trường hợp sau đây:

- Trình tự, thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của ĐHCĐ không thực hiện đúng theo quy định của Luật và Điều lệ công ty, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2, Điều 148 của Luật;

- Nội dung nghị quyết ĐHCĐ vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty.

Tin bài liên quan