Thực thi Luật Doanh nghiệp: Mỏi mắt tìm nơi… khắc dấu

Đang hoạt động bình thường, bất ngờ một loạt công ty khắc dấu thông báo dừng hoạt động để... chờ hướng dẫn mới. Nhưng không chỉ các công ty này mà đến cơ quan quản lý cũng lúng túng.
Thực thi Luật Doanh nghiệp: Mỏi mắt tìm nơi… khắc dấu

Doanh nghiệp bối rối

Công ty khắc dấu Đông Dương là một trong số các DN được phép khắc dấu tròn (con dấu của DN) tại TP.HCM từ năm 2011. Trước ngày 1/7, mọi hoạt động diễn ra bình thường. Tuy nhiên, 3 ngày nay, Công ty tạm dừng chưa nhận khắc dấu tròn.

Phân trần với phóng viên Báo Đầu tư về quyết định này, người phụ trách số điện thoại hotline 0917155165 của Công ty cho biết, vì chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan công an nên Công ty chưa dám nhận yêu cầu khắc dấu tròn.

“Trước đây, chúng tôi khắc dấu theo mẫu và quyết định của cơ quan công an. Hiện tại, chúng tôi đã nghe thông tin về quy định mới về khắc dấu, nhưng vì chưa có hướng dẫn cụ thể nên chưa dám nhận làm”, đại diện của Công ty Đông Dương nói.

Từ đầu tháng 7 đến nay, người phụ trách số điện thoại hotline cho biết nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến việc khắc dấu nhưng công ty đều đề nghị chờ.

Trên trang web của Công ty này, các văn bản hướng dẫn liên quan đến con dấu và thủ tục khắc dấu được liệt kê khá đầy đủ, từ Bộ Luật Hình sự đến các điều kiện kinh doanh của ngành nghề khắc dấu…, nhưng vẫn chưa có bất cứ thông tin nào liên quan đến các quy định của Luật DN về con dấu.

“Thứ Hai (ngày 6/7), chúng tôi sẽ tiếp tục hỏi thông tin từ các cơ quan để quyết định công việc tới”, vị đại diện của Công ty Đông Dương nhiệt tình chia sẻ.

Cũng tương tự như các đồng nghiệp ở TP.HCM, nhiều DN được phép khắc dấu tròn ở Hà Nội đều ngần ngừ với đề nghị khắc theo mẫu do DN tự đưa đến. Thậm chí, có DN cho biết, dấu tròn thuộc quyền quản lý của cơ quan công an nên dù Sở Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn là được phép khắc dấu họ cũng phải hỏi cơ quan công an trước khi thực hiện.

Ngay các cơ sở khắc dấu nhỏ, không có giấy phép khắc dấu trước đó, cũng không nhiệt tình với đề nghị khắc dấu DN. Cơ sở khắc dấu An Khánh (Cầu Giấy, Hà Nội),  Công ty TNHH Văn phòng phẩm Khắc dấu Sao Mai (Quận Tân Bình, TP.HCM) kiên quyết từ chối cho dù đã được cung cấp thông tin mới về con dấu tròn.

Công ty Đầu tư  - Thương mại và Xây dựng Ngôi Sao (Hà Nội) là số ít DN nhận đơn hàng sau khi xin ý kiến của người phụ trách mảng việc này của Công ty. Tuy nhiên, người đại diện của Công ty cũng cẩn trọng đề nghị rằng, DN có yêu cầu khắc dấu cứ để lại số điện thoại để nếu tuần tới có hướng dẫn gì mới, Công ty sẽ liên lạc trực tiếp.

“Trong ba ngày vừa rồi, một số DN vẫn quyết định làm dấu vì họ cần phải làm thủ tục khai thuế, vẫn cần có dấu theo quy định của cơ quan thuế. Các mẫu dấu đều theo kích cỡ và thiết kế như cũ, chưa có DN nào có thiết kế riêng”, đại diện Công ty Ngôi Sao cho biết.

Đặc biệt, đại diện Công ty Ngôi Sao cũng cho biết là mẫu dẫu của DN sau khi họ khắc xong vẫn sẽ chuyển sang cơ quan công an để lưu chiểu và DN sẽ nhận dấu ở đó, chứ không phải ở Công ty.

Cơ quan quản lý lúng túng

Cũng đến ngày 3/7, trên Cổng Thông tin đăng ký DN quốc gia (Cổng Thông tin), 13 mẫu dấu đã được cơ quan đăng ký kinh doanh đăng tải công khai theo quy định của Luật DN. Các DN này đến từ Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Khánh Hoà, Hậu Giang và Đồng Tháp.

So với 600 DN thành lập mới trong 2 ngày đầu thực hiện Luật DN, theo tổng hợp của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), rõ ràng đang có sự lúng túng không nhỏ liên quan đến con dấu DN.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương cho biết, mặc dù Luật DN đã quy định DN có toàn quyền với con dấu của mình, và thay vì phải đăng ký với cơ quan công an như luật cũ, DN chỉ cần thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng Thông tin, nhưng Nghị định 58/2001/NĐ-CP và Nghị định số 31/2009/NĐ-CP về quản lý sử dụng con dấu vẫn chưa hết hiệu lực, nên nếu chưa có hướng dẫn cụ thể, các cơ quan quản lý liên quan sẽ lúng túng trong thực hiện.

Ngay cả phía cơ quan công an cũng chưa thực sự rõ phần việc của mình. Trong các lần góp ý cho Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp, đại diện Bộ Công an luôn giữ quan điểm cơ quan đăng ký kinh doanh nên có trao đổi với cơ quan công an trước khi công bố mẫu dấu của doanh nghiệp vì “có thể có những mẫu dấu có những hình ảnh phản cảm hoặc trên tên công ty trên mẫu dấu không trùng với tên công ty…”. Cuối tuần trước, đại diện Bộ Công an vẫn giữ quan điểm này khi trao đổi về Dự thảo trên.

Phải thừa nhận có lý do của việc chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn. Vì trong Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật DN, các điều khoản quy định về nội dung bắt buộc cũng như các điều cấm trên mẫu dấu của DN đã có. Điều khoản chuyển tiếp dành cho DN đang sử dụng con dấu do cơ quan công an cấp cũng được tính đến.

“Nhưng khi chưa có hướng dẫn, việc thực hiện Luật DN rất cần sự phối hợp tốt. DN sẽ rất khó khăn nếu các cơ quan liên quan không có động thái tích cực”, ông Hiền khẳng định.

Cũng phải nói thêm, theo các giấy thông báo trên Cổng Thông tin, các con dấu của 13 DN trên sẽ chỉ có hiệu lực sau  3 - 4 ngày. Ông Hiền đặt câu hỏi tại sao phải để khoảng thời gian trễ này và đề nghị được sử dụng con dấu ngay khi công bố.

Tin bài liên quan