Các DN nước ngoài quan ngại tòa án can thiệp vào quy trình của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

Các DN nước ngoài quan ngại tòa án can thiệp vào quy trình của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

Thi hành phán quyết trọng tài, khó vì… tòa án

(ĐTCK) Tại các diễn đàn đối thoại trong năm 2015, một trong những quan ngại mà cộng đồng doanh nghiệp châu Âu nhắc đi nhắc lại là việc thi hành phán quyết trọng tại Việt Nam gặp khó khăn. Dưới đây là chia sẻ của một thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham).

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, một cách phổ biến để giải quyết các tranh chấp về đầu tư là khởi động các thủ tục tố tụng trước một tòa án dân sự hoặc thương mại. Về nguyên tắc, có thể làm như vậy tại Việt Nam, nhưng nhiều NĐT nước ngoài ưu tiên giải quyết các tranh chấp thông qua cơ chế trọng tài.

Thực tế, các DN nước ngoài tại Việt Nam gặp khó khăn khi yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại các tòa án Việt Nam. Những khó khăn chủ yếu liên quan tới yêu cầu chứng minh đặt ra đối với các bên được thi hành phán quyết và các tòa án Việt Nam từ chối công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài dựa trên những cơ sở không phù hợp với các quy định của Công ước New York năm 1958 về Công nhận và Thực thi phán quyết của trọng tài nước ngoài (NYC).

Do đó, các DN nước ngoài ngày càng coi hoạt động trọng tài ở Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) như là một phương thức linh hoạt và hiệu quả để giải quyết các tranh chấp, thay vì khiếu kiện tại tòa án. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp giá trị khiếu nại không bù đắp được chi phí và thời gian cần thiết cho thủ tục trọng tài quốc tế.

Tuy nhiên, các tòa án Việt Nam lại có động thái can thiệp vào quy trình của VIAC. Trong nhiều trường hợp, điều này dẫn đến việc chấm dứt quá trình trọng tài trước khi phán quyết được ban hành, hoặc bỏ qua phán quyết đã được VIAC ban hành. Sự can thiệp đó là một trở ngại lớn đối với các NĐT nước ngoài khi tìm giải pháp khiếu kiện thông qua trọng tài ở Việt Nam.

Do đó, trọng tài quốc tế thường được các NĐT nước ngoài tại Việt Nam lựa chọn khi gặp những tranh chấp đối với các hợp đồng giá trị lớn. Phán quyết của trọng tài quốc tế thường có hiệu lực tại phần lớn các khu vực tài phán trên thế giới theo Công ước NYC.

Đa phần các nước thành viên NYC áp dụng các điều khoản trong Công ước NYC, các nước công nhận và thi hành các phán quyết của trọng tài nước ngoài trong phạm vi quyền tài phán của nước họ. Tuy nhiên, cộng đồng kinh doanh châu Âu tại Việt Nam quan ngại về những khó khăn trong việc đạt được sự công nhận và thi hành các phán quyết của trọng tài quốc tế thông qua tòa án Việt Nam. Vấn đề này đặc biệt liên quan đến các hợp đồng giá trị lớn trong lĩnh vực hàng hóa (sợi bông, cà phê, gạo, trà...).

Trước hết, theo các điều khoản của NYC, nếu bên phải thi hành phán quyết phản đối việc thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, thì bên này cần đưa ra những bằng chứng để chứng minh cho sự phản đối của họ. Nhưng tại Việt Nam, bên được thi hành phán quyết bị yêu cầu chứng minh sự phản đối của bên phải thi hành phán quyết.

Điều này khuyến khích bên phải thi hành phán quyết đưa ra phản đối nhiều nhất có thể để bên được được thi hành phán quyết phải bác bỏ. Thực tiễn này vừa tốn thời gian, vừa tốn kém chi phí cho bên được thi hành phán quyết.

Ngoài ra, NYC đưa ra những cơ sở rất hạn chế và mang tính đặc biệt khi bác bỏ một đơn xin công nhận và thi hành phán quyết. Trong khi đó, các tòa án Việt Nam thường ban hành quyết định bác bỏ đơn xin công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài dựa trên những cơ sở thiếu thống nhất với điều khoản của NYC.

Gần đây, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 246/TANDTC-KT về xử lý các yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết trọng tài thương mại và kinh doanh nước ngoài tại Việt Nam. Công văn này yêu cầu các thẩm phán áp dụng chặt chẽ các điều khoản của NYC. Hy vọng, hướng dẫn này sẽ được các tòa án ở cấp thấp hơn trên khắp Việt Nam tuân thủ và ứng dụng thống nhất trong thực tế.

Nhằm cải thiện hơn nữa việc công nhận và thi hành các phán quyết trọng tài thương mại và kinh doanh nước ngoài, Việt Nam nên theo sát các thực tiễn quốc tế liên quan đến vấn đề này. Việc tự động tham chiếu Tòa phúc thẩm trong mọi trường hợp khi đơn bị Tòa sơ thẩm bác bỏ có thể là một giải pháp khác để cải thiện tình trạng nêu trên. Các hội nghị và khóa đào tạo cho thẩm phán của Tòa án nhân dân địa phương và Tòa phúc thẩm sẽ bảo đảm đào tạo bài bản về nội dung này.

Tin bài liên quan