Thêm công cụ giải quyết tranh chấp trong kinh doanh

Thêm công cụ giải quyết tranh chấp trong kinh doanh

(ĐTCK) Hội nghị triển khai Nghị định 22/2017/NĐ-CP (Nghị định 22) về hòa giải thương mại do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây cho thấy, doanh nghiệp nên chú ý và tận dụng kênh giải quyết tranh chấp mới, nhiều ưu điểm trong hoạt động kinh doanh, thương mại này.

Hòa giải thương mại: Nhiều ưu điểm

Theo Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Mai, mặc dù việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành, nhưng trước đó, chưa có một văn bản nào quy định cụ thể về trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư bằng hòa giải.

Nghị định 22 đã khắc phục những bất cập này, với các quy định khá cụ thể về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại, hòa giải viên thương mại, tổ chức hòa giải thương mại, tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam và quản lý nhà nước về hoạt động hòa giải thương mại.

Nghị định 22 quy định, kết quả hòa giải có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự. Để đảm bảo tính hiệu quả, phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Nghị định 22 dẫn chiếu việc công nhận kết quả hòa giải được xem xét công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Trong trường hợp hòa giải không thành, theo Nghị định 22, các bên có quyền yêu cầu trọng tài hoặc tòa án giải quyết tranh chấp.

Theo Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) Vũ Ánh Dương, lựa chọn giải quyết tranh chấp qua hòa giải có rất nhiều ưu điểm. Đó là thủ tục đơn giản, linh hoạt, gọn nhẹ, khẩn trương, tiết kiệm được thời gian, chi phí. Hòa giải thương mại mang lại lợi thế cho các bên khi có cơ hội lựa chọn một quy trình phù hợp, tránh những thủ tục pháp lý phức tạp.

Các bên cũng biết trước kết quả và được quyết định phương án hòa giải. Điều này khác với việc giải quyết tranh chấp tại tòa án là phải chờ đợi phán xét của tòa. Hơn nữa, thông qua hòa giải, các bên có điều kiện thể hiện thiện ý chí, hiểu và thông cảm cho nhau hơn, từ đó giúp các bên tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ kinh doanh, đối tác.

Một vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm là đảm bảo bí mật thông tin của các bên tranh chấp, điều này góp phần giữ uy tín cho doanh nghiệp và hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực nếu có quanh việc tranh chấp.

Về vấn đề này, Khoản 2, Điều 4 của Nghị định 22 quy định: “Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác”. Điều 10, Nghị định 22 cũng quy định, một trong những hành vi bị cấm đối với hòa giải viên thương mại là “tiết lộ thông tin về vụ việc, khách hàng mà mình biết được trong quá trình hòa giải”...

Hòa giải viên: Yếu tố then chốt

Một vấn đề cần lưu ý khác là kết quả hòa giải phải có sự công nhận của tòa án. Theo giải thích của bà Nguyễn Thị Mai, trong hoạt động hòa giải thương mại, hòa giải viên không đưa ra phán quyết như thẩm phán hay trọng tài viên, mà đóng vai trò kết nối các bên tranh chấp, để các bên chủ động quyết định phương án giải quyết tranh chấp.

Việc tòa án công nhận kết quả hòa giải thành chỉ diễn ra khi một trong các bên không tự nguyện thi hành. Đây là quy định tiến bộ, đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, thậm chí có quốc gia còn quy định kết quả hòa giải có hiệu lực ngay như phán quyết của tòa án.

Để giải pháp về xử lý tranh chấp này trở nên hữu hiệu, có tính thực tiễn cao, ông Vũ Ánh Dương lưu ý các doanh nghiệp trong lựa chọn hòa giải viên. Kinh nghiệm cho thấy, việc hòa giải thành công hay thất bại phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, cũng như khả năng vận động, thuyết phục các bên của hòa giải viên. Do vậy, khi tham gia hòa giải, các bên cần chú ý vấn đề này để đảm bảo vụ tranh chấp được giải quyết một cách có hiệu quả.

Thực tế đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể các tranh chấp kinh doanh, thương mại. Số liệu của VIAC cho thấy, số vụ tranh chấp được giải quyết tại VIAC chỉ trong 3 năm gần đây đã bằng số vụ của 10 năm trước đó. Lĩnh vực tranh chấp cũng rất đa dạng, bao gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, thương mại đầu tư...

Để giảm tải áp lực xử lý cho tòa án, hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã có chính sách khuyến khích hòa giải. Chẳng hạn, Hàn Quốc và Thái Lan thực thi ưu đãi tài chính cho các bên cố gắng giải quyết tranh chấp bằng hòa giải (nếu hòa giải thành công sẽ được hoàn lại một phần án phí, thuế thu nhập doanh nghiệp)…

Tin bài liên quan