Sửa đổi Luật Doanh nghiệp – Kỳ 2: Các vấn đề về quản trị công ty và bảo vệ quyền lợi cổ đông

(ĐTCK) LTS: Tiếp tục việc khái quát lại các nội dung cần sửa đổi được Chính phủ đặt ra trong dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi chuẩn bị trình Quốc hội thông qua, bài số 2 của sẽ tinnhanhchungkhoan.vn đề cập nhóm vấn đề sửa đổi liên quan đến quản trị doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi cổ đông.
Sửa đổi Luật Doanh nghiệp – Kỳ 2: Các vấn đề về quản trị công ty và bảo vệ quyền lợi cổ đông

3. Về mô hình tổ chức quản trị doanh nghiệp:

Theo báo cáo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, thông lệ quốc tế cho thấy hiện nay có 2 mô hình quản trị công ty cổ phần được nhiều quốc gia trên thế giới cho phép các công ty cổ phần tự chủ lựa chọn áp dụng, gồm mô hình đơn hội đồng (Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Giám đốc/Tổng giám đốc) và mô hình đa hội đồng (Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và giám đốc, Tổng giám đốc). 

Thực tế cho thấy áp dụng duy nhất mô hình quản trị đa hội đồng như quy định tại Luật Doanh nghiệp hiện nay không còn phù hợp thực tế đa dạng của doanh nghiệp về quy mô, tính chất sở hữu và sự đa dạng của cách thức quản trị công ty. 

Từ thực tiễn này, vấn đề đặt ra với luật sửa đổi là:

Bổ sung mô hình quản trị doanh nghiệp theo mô hình quản trị một hội đồng đối với công ty cổ phần để các nhà đầu tư có thêm lựa chọn mô hình quản trị phù hợp. Việc bổ sung mô hình quản trị đơn hội đồng cũng là phù hợp với thực tiễn quốc tế tốt, yêu cầu nâng cao hiệu lực quản trị của công ty cổ phần, nhất là các công ty cổ phần niêm yết; tăng thêm lựa chọn cho nhà đầu tư trong tổ chức quản trị  doanh nghiệp. Công ty cổ phần tự chủ lựa chọn và áp dụng một trong hai mô hình quản trị: Mô hình đơn hội đồng hoặc mô hình đa hội đồng như hiện nay. 

Sửa đổi Luật Doanh nghiệp – Kỳ 2: Các vấn đề về quản trị công ty và bảo vệ quyền lợi cổ đông ảnh 1


 4. Về trình tự, thủ tục ra quyết định trong doanh nghiệp:

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực tế cho thấy hiện nay một số quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 về trình tự, thủ tục triệu tập họp và ra quyết định trong công ty không còn phù hợp, lạc hậu so với sự phát triển của công nghệ thông tin, cũng như chưa tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ trong quản trị công ty. Đặc biệt, một số quy định khác như yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng thành viên tới 3 lần trong một số trường hợp gây chậm trễ và tốn kém trong việc ra các quyết định kinh doanh cần thiết.

Bên cạnh đó, quy định bắt buộc áp dụng nguyên tắc dồn phiếu đối với bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát công ty cổ phần tuy ở mức độ nhất định đã góp phần bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số, nhưng lại gây ra sự thiếu kết dính trong Hội đồng quản trị; làm cho việc ra quyết định trong một số trường hợp kéo dài, tốn kém, thậm chí không thông qua được.

Ngoài ra, quy định các tỷ lệ số phiếu bắt buộc tối thiểu phải có để thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần chưa đạt được mục tiêu là bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số, mà còn tạo ra sự cứng nhắc, tốn kém quá mức về thời gian và tiền bạc trong tổ chức họp và ra các quyết định của Đại hội đồng cổ đông, nhất là các công ty đại chúng; gây bất lợi cho công ty và cổ đông của công ty nói chung. 

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005, yêu cầu tối thiểu phải có 65% tổng số phiểu biểu quyết tham dự họp Đại hội đồng cổ đông; và để thông qua được quyết định thông thường phải có sự chấp thuận của số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu có quyền biểu quyết tham dự họp. 

Như vậy, vấn đề đặt ra đối với luật sửa đổi là:

Thứ nhất, bổ sung các quy định tạo thuận lợi cho doanh nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật vào quản trị doanh nghiệp nhằm giảm chi phí và gánh nặng tuân thủ pháp luật trong quản trị doanh nghiệp, như: công nhận giá trị pháp lý tài liệu điện tử, họp trực tuyến có giá trị như cách họp truyền thống, thừa nhận giá trị pháp lý của cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị dưới hình thức hội nghị trực tuyến hoặc phương tiện thông tin tương tự khác.

Thứ hai, mở rộng quyền lựa chọn cho doanh nghiệp quy định cụ thể trong điều lệ những nguyên tắc quản trị doanh nghiệp cụ thể hơn, chi tiết hơn và có thể khác so với quy định của Luật cho phù hợp với mong muốn và hoàn cảnh cụ thể của doanh nghiệp, như: không bắt buộc áp dụng bầu dồn phiếu; quy định linh hoạt hơn trong một số nội dung về tổ chức họp, cách thức biểu quyết tại cuộc họp, …

Thứ ba, giảm yêu cầu về tỷ lệ tham dự họp để cuộc họp đủ điều kiện và tỷ lệ biểu quyết thông qua quyết định Đại hội đồng cổ đông xuống 51% đối với quyết định thông thường và 65% đối với quyết định “đặc biệt” (tỷ lệ tương ứng theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 là 65% và 75%). 

Quy định chi tiết hơn và bổ sung một số quyền của Ban kiểm soát, như tham dự và thảo luận tại các cuộc họp của Hội đồng thành viên và cuộc họp khác của công ty; bổ sung thêm  nhiệm vụ đánh giá hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro và cảnh báo sớm của công ty. 

5. Về bảo vệ cổ đông:

Theo đánh giá của các chuyên gia, tuy đã có nỗ lực lớn về hoàn thiện chính sách, luật pháp liên quan, nhưng mức độ bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư tại Việt Nam vẫn liên tục bị xếp hạng rất thấp so với các quốc gia trong khu vực và thế giới. 

Theo đánh giá tại Báo cáo kinh doanh 2014 của Ngân hàng thế giới, mức độ bảo vệ nhà đầu tư ở Việt Nam được xếp thứ 160 trong 189 quốc gia, nền kinh tế. Đối với Luật Doanh nghiệp, một số quy định liên quan chưa tạo thuận lợi cho cổ đông, thành viên công ty thực hiện quyền khởi kiện người quản lý trong trường hợp cần thiết; trình tự, thủ tục khởi kiện còn phức tạp, kéo dài, tốn kém.

Vì vậy, vấn đề  đặt ra đối với luật sửa đổi là:

Bổ sung quy định để bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của cổ đông, như: chi tiết hơn quy định về bổn phận người quản lý công ty, tạo thuận lợi hơn cho cổ đông khởi kiện người quản lý, bổ sung quy định bảo vệ lợi ích của cổ đông trong trường hợp hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp, bổ sung các quy định nhằm luật hóa nội dung về hiệu lực quyết định của công ty và cơ chế khởi kiện người quản lý đã được quy định tương ứng trong Nghị định 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp...

( Còn tiếp)

Kỳ 3: Các vấn đề về giải thể doanh nghiệp và minh bạch thông tin

Tin bài liên quan