Sở hữu chéo trong ngân hàng sẽ biến tướng tinh vi hơn

Sở hữu chéo trong ngân hàng sẽ biến tướng tinh vi hơn

Với các quy định mới có hiệu lực từ ngày 15/1/2018, nhiều ông chủ ngân hàng sẽ không còn được làm chủ công ty con. Song thực tế cho thấy, nhiều cổ đông ngân hàng, dù không nắm vị trí chủ chốt vẫn có thể làm khuynh đảo cả ngân hàng.

Hàng loạt đại án ngân hàng xuất phát từ sở hữu chéo

Cuối tuần qua, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố 46 bị can trong giai đoạn 2, vụ án Phạm Công Danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Theo cáo trạng, lợi dụng vị trí  chỉ đạo gửi hơn 6.630 tỷ đồng của VNCB sang một số ngân hàng khác, đồng thời lập các công ty sân sau và lập khống hồ sơ vay vốn (dùng số tiền gửi trên của VNCB để cầm cố, bảo lãnh).

Ngân hàng VNCB thực hiện bảo lãnh, nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản, dẫn tới thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, sở hữu chéo là nguyên nhân chính dẫn tới những đại án trên. Chính vì vậy, tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua, Ngân hàng Nhà nước đã đưa vào nhiều quy định để siết sở hữu chéo.

Đặc biệt, quy định cấm các ông chủ ngân hàng (chủ tịch HĐQT, chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc và chức danh tương đương) làm lãnh đạo các công ty sân sau đã được giới chuyên gia đánh giá cao.

Chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển cho biết, Hàn Quốc sau khủng hoảng trước đây đã đề ra quy định cấm các ông chủ ngân hàng làm chủ các công ty khác.

Tại Việt Nam, tình trạng thao túng ngân hàng, lập công ty sân sau, lập hồ sơ khống để vay hàng ngàn tỷ đồng, lũng đoạn cổ phiếu, thâu tóm ngân hàng… diễn ra thời gian qua cũng do quy định hiện hành về sở hữu chéo chưa chặt chẽ.

Ông Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, quy định trên là rất cần thiết, giúp tránh tình trạng cổ đông lớn thao túng ngân hàng, cho vay sân sau như đã diễn ra trong các tổ chức tín dụng thời gian qua.

Sở hữu chéo sẽ “lặn” và ngầm

Hiện trên thị trường vẫn còn khoảng chục ông chủ ngân hàng đang là chủ doanh nghiệp, như ông Phương Hữu Việt, Chủ tịch HĐQT VietABank; ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT KienLongBank; ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank…   

Những đại án ngân hàng liên tiếp xảy ra thời gian qua cho thấy, việc siết sở hữu chéo của ngân hàng Nhà nước là vô cùng cấp thiết để làm minh bạch hóa sở hữu.
Đương nhiên, không phải doanh nhân nào tham gia góp vốn, quản trị ngân hàng cũng mong muốn để rút vốn cho công ty sân sau. Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank, kiêm Chủ tịch HĐQT Doji từng nói: “Chúng tôi không kỳ vọng TPBank là cổng tài chính của Doji. Doji có thể góp hàng ngàn tỷ đồng vào TPBank, nhưng không kỳ vọng có thể vay được 100 triệu đồng từ ngân hàng”.

Thế nhưng, không phải cổ đông nào cũng nghĩ được như vậy. Những đại án ngân hàng liên tiếp xảy ra thời gian qua cho thấy, việc siết sở hữu chéo của Ngân hàng Nhà nước là vô cùng cấp thiết để làm minh bạch hóa sở hữu.

Vấn đề đặt ra, với quy định trên, sở hữu chéo có trở nên minh bạch hơn?

Nhiều chuyên gia cảnh báo, sở hữu chéo sẽ biến tướng tinh vi hơn, lặn sâu hơn. Chính Thống đốc Lê Minh Hưng cũng thừa nhận, nhiều trường hợp sở hữu chéo khó phát hiện do “đứng tên hộ”.

Chưa kể, quy định của Luật sửa đổi, bổ sung các tổ chức tín dụng vẫn còn kẽ hở. Theo đó, chức danh phó chủ tịch HĐQT ngân hàng và thành viên HĐQT không bị cấm đảm nhận chức danh chủ chốt ở các công ty sân sau.

Như vậy, chỉ cần “giảm chức” từ chủ tịch xuống phó chủ tịch, là lãnh đạo nhiều ngân hàng vẫn có thể làm ông chủ các công ty sân sau mà không sợ phạm luật.

Theo đánh giá của các chuyên gia, đã có trường hợp cổ đông lớn ngân hàng (như trường hợp “bầu Kiên”) không nắm vị trí chủ tịch HĐQT hay tổng giám đốc, song lại thao túng cả ngân hàng.

Luật sư Bùi Quang Tín nhận định, các quy định về cấm ông chủ ngân hàng làm chủ công ty con là tích cực, giúp phần chống sở hữu chéo.

Tuy nhiên, điều này cũng có thể khiến sở hữu chéo ngân hàng khó kiểm soát hơn, bởi nhiều trường hợp “đứng tên hộ” xuất hiện, nên đòi hỏi cơ quan quản lý phải giám sát chặt chẽ hơn nữa.

Tin bài liên quan