Sinh viên sập bẫy đa cấp

Sinh viên sập bẫy đa cấp

(ĐTCK) Bán hàng đa cấp là mô hình kinh doanh hợp pháp, nhưng do thiếu hiểu biết về pháp luật nên nhiều người, trong đó có sinh viên bị dụ dỗ bỏ tiền ra mua hàng để được quyền tham gia bán hàng. Vừa qua, hàng loạt sinh viên tham gia bán hàng đa cấp rơi vào tình cảnh… vỡ nợ.

Muốn bán thì phải bỏ tiền ra mua hàng

DN được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, chủ yếu phân phối các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp. Tuy nhiên, trên thị trường diễn ra nhiều hoạt động bán hàng đa cấp bất chính, không tuân theo các quy định của pháp luật, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng (do giá sản phẩm bị đội lên cao) và những người tham gia bán hàng (vì DN yêu cầu phải bỏ tiền ra mua hàng để được kết nạp vào hệ thống). Theo đó, lợi nhuận của cả DN và người bán hàng chủ yếu đến từ việc giới thiệu các thành viên mới tham gia vào mạng lưới.

Vụ việc gần đây nhất là một số cộng tác viên của CTCP Liên minh Tiêu dùng Việt Nam (Aviinet) bị tố dụ dỗ và lừa nhiều sinh viên đi vay tín dụng đen để mua sản phẩm, tham gia bán hàng đa cấp.

Lãnh đạo Aviinet đã thừa nhận những yếu kém trong công tác quản lý và xác nhận hành vi sai trái mà các cộng tác viên của Công ty gây ra. Đồng thời, Aviinet nêu ra phương án giải quyết. Theo đó, Công ty sẽ chấm dứt hợp đồng với các cộng tác viên làm sai quy định và cam kết mua lại hàng hóa của tất cả các sinh viên là nạn nhân của các cộng tác viên này.

Mặc dù vậy, theo phản ánh của các nạn nhân, đến thời điểm hiện tại, rất ít trường hợp được giải quyết theo như cam kết của Aviinet.

Không dễ đòi lại tiền

Những ngày qua, tại trụ sở Aviinet, số 15, phố Đặng Thùy Trâm, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, rất nhiều phụ huynh và sinh viên là nạn nhân trong vụ việc nêu trên đã chầu trực ở đây, hy vọng được Công ty trả hàng, lấy lại tiền.

Để làm thủ tục trả lại hàng, các sinh viên phải viết bản tường trình và kê khai nhiều thông tin, trình nhiều loại giấy tờ, đặc biệt là cần đi cùng với người đã giới thiệu mình tham gia vào mạng lưới. Có một số trường hợp được Aviinet giải quyết, nhưng chỉ nhận được số tiền rất nhỏ trên tổng giá trị hàng trả lại.

Lý do được đưa ra là tem nhãn, bao bì sản phẩm không còn nguyên vẹn. Trong khi đó, theo phản ánh của một số sinh viên, khi bàn giao sản phẩm mang đi bán, nhân viên của Aviinet đã chủ động bóc tem nhãn, bao bì.

Bức xúc vì bị gây khó dễ khi trả lại hàng, một số phụ huynh bày tỏ ý định viết đơn kiện thì ngay lập tức bị Aviinet dọa sẽ không giải quyết cho bất kỳ ai ký vào đơn kiện, với lý do không có thiện chí với Công ty.

Hoàng Thùy Trang, sinh viên Trường cao đẳng Tài nguyên và Môi trường, một trong những nạn nhân có mặt tại trụ sở Aviinet cho biết, các nhân viên tại đây yêu cầu phải viết đơn tự nguyện hủy hợp đồng thì mới giải quyết nhận lại hàng hóa. Sau khi thực hiện các yêu cầu mà Công ty đưa ra, Trang được nhận một giấy hẹn chờ đến ngày khác giải quyết.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: Bán hàng đa cấp, 3 loại sai phạm chủ yếu


Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, có 105 DN được Sở Công thương cấp phép đăng ký bán hàng đa cấp. Sau đó, đến tháng 11/2015, có thêm 59 DN được cấp phép.

Có 3 loại sai phạm chủ yếu trong bán hàng đa cấp: một là DN không được cấp phép đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nhưng vẫn bán hàng đa cấp như CTCP Kết nối SX - DV -TM Rồng Vàng Đất Việt; hai là DN không được cấp phép nhưng dùng phương thức trả thưởng kinh doanh như bán hàng đa cấp để trục lợi như CTCP Đầu tư Trịnh Phước, MB 24; ba là DN được cấp phép nhưng hoạt động không đúng mục tiêu đăng ký dẫn đến thiệt hại cho người tiêu dùng.

Trang chia sẻ, được giới thiệu làm nhân viên bán hàng nên theo bạn đến tòa nhà số 252 đường Hoàng Quốc Việt (trụ sở cũ của Aviinet). Tại đây, Trang cùng với 7 - 8 người khác được 2 nhân viên của Aviinet giới thiệu về kinh doanh đa cấp, các loại sản phẩm và yêu cầu mua hàng để được kết nạp vào hệ thống, giá mỗi mã hàng là 6,8 triệu đồng (gần đây đã tăng lên 12 triệu đồng/mã).

Khi Trang và các bạn khác nói rằng không có tiền tham gia, thì ngay lập tức 2 nhân viên trên hướng dẫn và trực tiếp dẫn ra cửa hàng cầm đồ, cầm cố chứng minh thư và thẻ sinh viên để vay tiền. Sau một thời gian, cả Trang và hầu hết bạn bè tham gia bán hàng đa cấp đều không thể bán hết hàng, hiện đang vỡ nợ vì khoản vay có lãi suất quá cao.

Nên xem xét khiếu nại, khiếu kiện

Trao đổi với ĐTCK, luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật Basico cho biết, căn cứ Nghị định 42 và Nghị định 71/2014/NĐ-CP về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, hành vi yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa có thể bị phạt tiền từ 60 - 100 triệu đồng.

Mức phạt tiền sẽ được nhân đôi khi hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. Kèm theo đó, DN kinh doanh đa cấp vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung (trong đó có biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp) và biện pháp khắc phục hậu quả.

Trong vụ việc liên quan đến Aviinet nêu trên, luật sư Hải cho rằng, sự can thiệp kịp thời từ các cơ quan quản lý nhà nước là cần thiết nhất ở thời điểm hiện tại. Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương là cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực này.       

Tin bài liên quan