Công ty AT69 được thành lập để lừa những người góp vốn buôn chung xe máy, ô tô

Công ty AT69 được thành lập để lừa những người góp vốn buôn chung xe máy, ô tô

Rủi ro với “giám đốc” tại ngoại

(ĐTCK) Một số doanh nhân, với mối quan hệ “đặc biệt”, có nguồn hàng giá hấp dẫn, vẻ ngoài sang trọng, hóa ra lại là bị can tại ngoại.

Cuối năm 2009, anh Nguyễn Thanh Hải (quận Thanh Xuân, Hà Nội), vốn là một người buôn xe, muốn nhập ít ô tô và xe máy. Khi đang hỏi han xem có nguồn xe ở đâu giá rẻ, chất lượng đảm bảo, thì anh Hải được chị Thu, một nhân viên của Công ty AT69 giới thiệu công ty này có nguồn xe giá rẻ.

Từ đó, anh Hải đã tìm đến Công ty AT69 và gặp Lý Thị Trúc Quỳnh (SN 1978, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) trao đổi cụ thể về việc mua xe. Thấy giá ô tô mà Quỳnh đưa ra khá rẻ, anh Hải đồng ý nhập 5 xe ô tô và 6 xe máy các loại, tổng số tiền gần 3 tỷ đồng và 329.250 USD. Lần giao dịch đầu tiên, anh Hải đã trả đủ số tiền này và Quỳnh cũng giao đủ hàng.

Sau đó, Quỳnh rủ anh Hải góp vốn buôn chung xe máy, ô tô để kiếm lời. Lúc này, tin tưởng Quỳnh thật sự có nguồn xe giá rẻ, chỉ trong 10 ngày, từ 2/12/2009 đến 13/12/2009, anh Hải đã chuyển cho Quỳnh hơn 5,7 tỷ đồng để góp vốn.

Thế nhưng, số tiền này không được đưa vào kinh doanh như đã hứa hẹn, mà Quỳnh bỏ túi cá nhân và không trả lại cho anh Hải. Đến đầu năm 2010, khi có một số cá nhân khác tố cáo Quỳnh ra cơ quan công an và chỉ khi công an vào cuộc thì anh Hải mới biết, hóa ra người thực sự điều hành các hoạt động kinh doanh của Công ty AT69 là một bị can được tại ngoại.

Kết quả điều tra cho thấy, ngày 21/3/2006, Quỳnh bị khởi tố bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú (bị can tại ngoại). Trong thời gian được tại ngoại để điều tra, Quỳnh tiếp tục có hành vi phạm tội.

Quỳnh dùng thủ đoạn mua ô tô, xe máy ngoài thị trường, sau đó bán cho khách với giá rẻ, chịu bù lỗ để khách tin tưởng đặt nhiều tiền mua xe, rồi chiếm đoạt tiền đặt cọc của các bị hại. Mỗi xe ô tô nhập khẩu, Quỳnh bán rẻ hơn giá thị trường 8.000 - 10.000 USD tùy loại xe, xe lắp ráp trong nước thì bán bằng giá thị trường, nhưng được khuyến mại bộ phụ kiện trị giá 60 triệu đồng.

Thậm chí, Quỳnh đã tính toán thành lập một công ty để dễ bề hoạt động. Nhưng do đang là bị can trong vụ án hình sự nên Quỳnh nhờ người đứng tên thành lập Công ty AT69, mọi việc kinh doanh là do Quỳnh điều hành.

Sau lần đầu nhận xe đầy đủ, đăng ký hợp pháp nên khách hàng tin tưởng Quỳnh và giới thiệu nhiều người khác. Với cách thức này, Quỳnh đã chiếm đoạt được 38,8 tỷ đồng của 28 người.

Một vụ án khác, tháng 3/2010, bà Nguyễn Thị Điệp (ở Từ Liêm, Hà Nội) cần vay tiền. Qua vài mối quan hệ, bà Điệp gặp Mông Thị Ngọc (SN 1972, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) và hai bên thỏa thuận: bà Điệp vay 1,5 tỷ đồng, lãi suất 2%/tháng, tài sản thế chấp là nhà và đất có diện tích 106 m2. Bà Điệp làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để làm tin, khi nào bà Điệp trả gốc và lãi thì Ngọc trả lại sổ đỏ và hủy hợp đồng chuyển nhượng. Đồng thời, hai bên lập văn bản thỏa thuận, sau 1 năm kể từ ngày 18/5/2010, bà Điệp phải trả gốc, lãi cho Ngọc; nếu không trả, Ngọc có quyền sang tên đối với nhà đất nói trên.

Sau khi cầm hợp đồng và giấy tờ nhà đất, Ngọc giấu văn bản thỏa thuận và ngang nhiên đến văn phòng công chứng để làm thủ tục sang tên. Thậm chí, Ngọc còn đưa một người giả làm chồng bà Điệp đến gặp công chứng viên ký, viết, điểm chỉ vào hợp đồng.

Nhận được sổ đỏ, Ngọc lập tức lấy lý do vay vốn mua nhà để làm thủ tục vay vốn tại VIB - Chi nhánh Hoàn Kiếm, vay 5 tỷ đồng, tài sản bảo đảm là nhà đất (được ngân hàng định giá là 6,6 tỷ đồng) của bà Điệp.

Không biết gì về việc Ngọc đã sang tên sổ đỏ, ngày 12/1/2011, bà Điệp mang tiền trả cho Ngọc 600 triệu đồng, sau đó trả tiếp 200 triệu đồng và nhiều lần trả tiền khác. Cuối cùng, khi đã trả được 1 tỷ đồng, vợ chồng bà Điệp vẫn không thấy Ngọc trả sổ đỏ, mà hứa hẹn nhiều lần với nhiều lý do khác nhau.

Nghi ngờ, vợ chồng bà Điệp đi kiểm tra thì được biết, Ngọc đã sang tên sổ đỏ và đem “cắm” cho VIB. Sau đó, bà Điệp tố cáo Ngọc với cơ quan công an.

Khi công an vào điều tra, bà Điệp mới biết, hóa ra Ngọc đã 2 lần bị kết án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, năm 2003, Ngọc lĩnh án 13 năm tù giam, năm 2005 bị tuyên phạt 11 năm tù giam và được tạm hoãn thi hành án, lý do người bị kết án ốm đau, bệnh tật… Hết thời hạn tạm hoãn, khi lực lượng thi hành án đến nơi cư trú của Ngọc thì được biết, Ngọc đang điều trị bệnh tâm thần tại bệnh viện. Trong khi điều trị tâm thần, Ngọc vẫn kịp lừa đảo 5 tỷ đồng của Ngân hàng VIB.

Tố tụng hình sự có quy định một số trường hợp bị án hoặc bị can được hoãn thi hành án hoặc tại ngoại như phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng… Thế nhưng, không ít trường hợp, những bị can tại ngoại lại gây ra hành vi phạm tội nghiêm trọng hơn nữa.

Tin bài liên quan