Rủi ro từ những vụ lộ, lọt thông tin tài khoản ngân hàng

Rủi ro từ những vụ lộ, lọt thông tin tài khoản ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc lộ lọt thông tin khách hàng ra bên ngoài đã “tiếp tay” cho các đối tượng phạm tội chiếm đoạt hàng tỷ đồng của ngân hàng, khách hàng trong thời gian qua.

Đầu tháng 7/2020, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố 3 đối tượng nguyên là cán bộ ngân hàng về hành vi thu thập, trao đổi, mua bán, công khai trái phép thông tin tài khoản ngân hàng quy định tại Điều 291, Bộ luật Hình sự 2015.

Các đối tượng này có hành vi giúp sức cho đường dây tội phạm lừa đảo tinh vi gồm Nguyễn Lê Thanh Tú (sinh năm 1985, ở quận Phú Nhuận, TP.HCM), Nguyễn Tiến Hùng (sinh năm 1995) và Nền Ngọc Tuấn (sinh năm 1996) cùng trú tại Bà Rịa -Vũng Tàu; Mạc Đăng Khoa (sinh năm 1991, ở Vĩnh Long); Phạm Xuân Huy (sinh năm 1990, ở Vĩnh Long).

Cơ quan điều tra xác định, các đối tượng trên đã liên hệ với nhân viên một số ngân hàng để mua thông tin tài khoản của doanh nghiệp, gồm số tài khoản, tên, địa chỉ, mẫu chữ ký, mẫu dấu, sao kê tài khoản trên địa bàn cả nước.

Tú đặt mua con dấu giả trên mạng Internet, thu thập các ủy nhiệm chi, đơn đăng ký sử dụng dịch vụ SMS Banking của các ngân hàng, mua các giấy giới thiệu.

Tú cũng giả mạo chữ ký của kế toán trưởng, chủ tài khoản doanh nghiệp trên các giấy tờ, chứng từ trên để làm thủ tục chuyển khoản tiền qua hệ thống ngân hàng.

Cuối năm 2019, sau khi có thông tin của Công ty Đông Hưng, Tú giao cho Hùng và Huy mang bộ tài liệu giả đến Ngân hàng V - Chi nhánh Đông Hà Nội để đăng ký số điện thoại nhận biến động số dư và dịch vụ SMS Banking nhằm theo dõi hoạt động tài khoản công ty này.

Ngày 20/11/2019, Tú nhận được tin nhắn Công ty Đông Hưng được chuyển khoản số tiền 3,14 tỷ đồng.

Tú lập tức chỉ đạo Hùng điền đầy đủ thông tin trên ủy nhiệm chi để chuyển số tiền trên vào tài khoản của Khoa (lấy tên giả là Nguyễn Văn Đức). Các đối tượng đến ngân hàng rút số tiền trên để chia nhau.

Tại cơ quan điều tra, Tú khai nhận đã liên hệ với Đoàn Lê Trí Viễn (sinh năm 1992, ở Quảng Nam), cán bộ Ngân hàng B. - Chi nhánh Trường Sơn và cho biết đang cho các công ty vay lãi nên cần thông tin của doanh nghiệp.

Thấy việc này nằm trong khả năng nên Viễn đồng ý truy cập vào mạng nội bộ ngân hàng hoặc thông qua bạn bè làm trong nhiều ngân hàng khác để cung cấp thông tin cho Tú, trong đó có Lê Thái Nhân (sinh năm 1994, ở Bình Định, công tác tại Ngân hàng B) và Nguyễn Thái Thịnh (sinh năm 1994, ở Bình Định, công tác tại Ngân hàng S.). Tú trả cho Viễn số tiền từ 13 - 15 triệu đồng với mỗi thông tin khác nhau.

Việc tài khoản khách hàng bị lộ, lọt có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó xuất phát từ sơ hở trong khâu mở thẻ.

Vừa qua, TAND cấp cao tại Đà Nẵng làm rõ hành vi lừa đảo tinh vi bằng cách lấy thông tin của thẻ credit chưa kích hoạt. Theo đó, từ tháng 9/2018 đến tháng 3/2019, qua công tác nghiệp vụ, Trung tâm An ninh - Công ty Tài chính F. (thuộc Ngân hàng V.) phát hiện bị nhóm đối tượng chiếm đoạt tiền qua thẻ credit.

Quá trình điều tra cho thấy, khoảng đầu năm 2018, Võ Đình Sang (sinh năm 1991, ở Đắk Lắk) đã gặp Nguyễn Đình Trà (nhân viên CTCP Vận tải chuyên nghiệp), chuyên giao thẻ tín dụng và có quyền truy cập vào ứng dụng theo dõi các thẻ tín dụng đã giao cho khách hàng.

Do thấy ngân hàng có sơ hở, cả hai bàn nhau làm giả chứng minh nhân dân, làm lại số điện thoại của khách hàng đã đăng ký làm thẻ tín dụng để rút tiền.

Trà có nhiệm vụ cung cấp danh sách thông tin khách hàng không nhận thẻ, thông báo cho Sang về các thẻ đã được duyệt, còn Sang sẽ chọn lựa khách hàng, làm giả chứng minh nhân dân, làm lại thẻ sim điện thoại di động, mạo danh khách hàng để gọi điện đến tổng đài ngân hàng xác nhận thông tin để kích hoạt thẻ. Trà lấy 7 triệu đồng/thẻ.

Với thủ đoạn trên, cả hai đã làm giả 17 chứng minh nhân dân của khách hàng. Khi thẻ được kích hoạt, Sang nhờ người đến các tiệm vàng, tiệm cầm đồ để quẹt thẻ và thỏa thuận rút tiền mặt. Các đối tượng chiếm đoạt số tiền 901,5 triệu đồng của ngân hàng V. 

Luật sư Vy Văn Minh cho biết, việc tiết lộ thông tin khách hàng là hành vi không được phép theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng 2010; do đó sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng không phải mọi hành vi vi phạm pháp luật đều là tội phạm.

Nếu cơ quan chức năng chứng minh được nhân viên ngân hàng tuồn thông tin giúp các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tiền thì sẽ bị quy kết với vai trò đồng phạm.

Tin bài liên quan