Rất cần các án lệ ngân hàng

Rất cần các án lệ ngân hàng

(ĐTCK) Trong những năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp dân sự và nhiều vụ án hình sự nổi cộm gây ra những tranh cãi phức tạp trước việc xác định trách nhiệm của khách hàng, ngân hàng và nhân viên ngân hàng liên quan đến việc thất thoát tiền gửi, tiền vay, chiếm đoạt tài sản và không thực hiện nghĩa vụ thế chấp, bảo lãnh.

Trách nhiệm giữa khách hàng và ngân hàng

Những câu hỏi nhức nhối cần các cơ quan chức năng lên tiếng, đó là ngân hàng hay khách hàng phải chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý số dư tài khoản nói riêng và quản lý tài khoản nói chung do ngân hàng mở cho khách hàng? Hiện tại, quy định đã có nhưng không rõ và có thể hiểu hoàn toàn trái ngược nhau.

Các quy định đều đã có lâu nay, nhưng rất khó áp dụng vào thực tế, ví dụ khi cần xác định lỗi của bên nào trong Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “Hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán” (đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 32/2016/TT-NHNN ngày 26/12/2016).

Thông tư này quy định, chủ tài khoản phải “chịu trách nhiệm về những thiệt hại do sai sót hoặc bị lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản do lỗi của mình” (điểm g, khoản 2, Điều 5 về “Quyền và nghĩa vụ của chủ tài khoản thanh toán”), đồng thời ngân hàng cũng phải “chịu trách nhiệm về những thiệt hại do sai sót hoặc bị lợi dụng, lừa đảo trên tài khoản thanh toán của khách hàng do lỗi của mình” (điểm g, khoản 2, Điều 6 về “Quyền và nghĩa vụ của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán”.

Trách nhiệm giữa cá nhân và pháp nhân

Một điều đặc biệt quan trọng là pháp nhân hay cá nhân phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp liên quan đến hành vi sai trái của cán bộ, nhân viên ngân hàng. Mâu thuẫn, khó khăn xảy ra từ hai quy định khác nhau của Bộ luật Dân sự năm 2005.

Khoản 1, Điều 146 về “Hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện”, Bộ luật Dân sự quy định: “Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người được đại diện đồng ý hoặc biết mà không phản đối”.

Trong khi Điều 618 về “Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra”, Bộ luật Dân sự lại quy định: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.” Những quy định tương tự đang được lặp lại ở Bộ luật Dân sự năm 2015.

Theo quy định trên, cần phải được hiểu rằng, nếu nhân viên ngân hàng được giao nhiệm vụ nhận tiền gửi của khách hàng với lãi suất 6%/năm, mà thực hiện giao dịch với lãi suất 7%/năm thì phần vượt quá 1% là vô hiệu. Còn giám đốc ngân hàng có thẩm quyền ký cam kết bảo lãnh đến 10 tỷ đồng mà lại phát hành bảo lãnh lên đến 15 tỷ đồng, thì ngân hàng vẫn phải chịu trách nhiệm toàn bộ hoặc ít nhất là chịu trách nhiệm về số tiền bảo lãnh 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế vừa qua đã xuất hiện một số bản án tuyên án rất khác nhau về cùng một sự việc tương tự. Cùng với tính chất người phát hành thư bảo lãnh sai thủ tục, ký vượt thẩm quyền, nhưng có trường hợp ngân hàng phải chịu, trường hợp khác ngân hàng lại không phải chịu trách nhiệm về cam kết bảo lãnh. Việc này đã gây ra sự hoang mang, nghi ngờ cho cả ngân hàng và khách hàng.

Cần có các án lệ ngân hàng

Nhiều vấn đề tương tự cũng xảy ra, nhưng luôn mập mờ trách nhiệm giữa ngân hàng, nhân viên ngân hàng hay khách hàng chịu trách nhiệm. Chẳng hạn việc mất tiền gửi của khách hàng trong trường hợp nhân viên ngân hàng thực hiện các hành vi: Thu tiền tại quầy nhưng không nộp vào ngân hàng, thu tiền tại nhà khách hàng nhưng không nộp tiền vào ngân hàng, tự ý chuyển tiền của khách hàng sang loại tiền gửi khác, tự ý chuyển tiền của khách hàng sang tài khoản khác, hay rút khỏi tài khoản, giả mạo chứng từ rút tiền khỏi tài khoản của khách hàng…

Hoặc ngân hàng, nhân viên hay người vay tiền chịu trách nhiệm về việc mất tiền vay trong trường hợp cán bộ tín dụng giữ lại tiền giải ngân, giữ lại tiền thu nợ hay giải ngân sai mục đích vay.

Trường hợp nhân viên ngân hàng không vượt quá phạm vi đại diện, nhưng lại thực hiện sai quy trình, quy định nội bộ, không đúng trình tự, thủ tục, giao dịch ở bên ngoài trụ sở ngân hàng... thì ngân hàng không thể được miễn trách bằng cách đẩy trách nhiệm bồi thường khách hàng cho cá nhân.

Nếu nhân viên của mình có hành động sai trái hoặc vượt quyền, gây ra thiệt hại cho người khác, mà pháp nhân lại đẩy hết rủi ro ra ngoài xã hội, phủ nhận sạch mọi trách nhiệm của mình, thì pháp nhân đó chẳng khác nào một tổ chức ảo, một pháp nhân ma. Và muốn trốn tránh trách nhiệm của pháp nhân, thì chỉ cần chứng minh mỗi điều là nhân viên của mình đã phạm tội hình sự.

Nếu không sớm giải quyết những vấn để trên thì sẽ gây ra bất ổn ngày càng lớn và phức tạp cho cả khách hàng cũng như ngân hàng. Vì vậy, rất cần có sự giải thích, hướng dẫn một cách cụ thể, đặc biệt là việc công bố các án lệ làm căn cứ hiểu và áp dụng thống nhất pháp luật.

Tin bài liên quan