Ranh giới mong manh khi điều hành doanh nghiệp

Ranh giới mong manh khi điều hành doanh nghiệp

(ĐTCK) Khi điều hành doanh nghiệp, chủ tịch hội đồng quản trị/tổng giám đốc có thể phải ra các quyết sách kịp thời để không bỏ lỡ cơ hội đầu tư, kinh doanh bằng cách thức “phi chính thống”. Việc này dẫn đến những khoản chênh lệch thu, chi không thể giải trình, hậu quả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Báo cáo “vênh” 5,6 tỷ đồng

Vừa qua, Tòa án nhân dân cấp cao tại Ðà Nẵng đã quyết định tuyên hủy bản án sơ thẩm đối với ông Vũ Văn Duẩn (SN 1978, ở Thái Bình, cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ðầu tư và Phát triển Lotus) để điều tra lại về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Ông Duẩn bị cáo buộc đã giả chữ ký các cổ đông sáng lập, thu tiền và “tư túi” cá nhân hơn 2,3 tỷ đồng, gây thiệt hại cho các thành viên góp vốn khác. Tuy nhiên, các kết luận giám định tài chính còn gây tranh cãi.

Công ty cổ phần Ðầu tư và phát triển Lotus được thành lập năm 2014, chuyên về lĩnh vực bất động sản, có 4 cổ đông sáng lập, trong đó Vũ Văn Duẩn góp 3 tỷ đồng, chiếm 10,26% vốn điều lệ. Ông Duẩn dính líu trách nhiệm hình sự vì báo cáo tài chính xuất hiện các khoản tiền thu, chi chênh lệch hơn 5,6 tỷ đồng không rõ ràng.

Kết luận giám định thể hiện “số chênh lệch thu, chi từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2015 là 5,6 tỷ đồng. Trách nhiệm này thuộc về ông Duẩn.

Tại buổi làm việc với cơ quan điều tra, ông Duẩn không giải trình được nguyên nhân chênh lệch”.

Từ đó, cơ quan điều tra xác định, tính đến ngày 30/6/2015, ông Duẩn còn tiền góp vốn là 3 tỷ đồng; số tiền lãi sau thuế Công ty là 1,2 tỷ đồng. Theo điều lệ, ông Duẩn được hưởng 229 triệu đồng. Sau khi đối trừ, số tiền ông Duẩn chiếm đoạt của các thành viên khác là 2,3 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra cáo buộc, lợi dụng lòng tin, ông Duẩn lập biên bản “thỏa thuận góp vốn”, giả chữ ký của các cổ đông sáng lập để xác nhận toàn bộ vốn góp của mình, từ đó có thể toàn quyền quyết định và định đoạt số tiền của Công ty.

Từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2015, ông Duẩn nhiều lần viết phiếu thu, nhận tiền trực tiếp của khách hàng, hoặc nhận tiền mặt do kế toán và giám đốc sàn giao dịch bất động sản bàn giao, chiếm đoạt 2,3 tỷ đồng.

Ðầu năm 2019, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã xử phạt ông Duẩn mức án 8 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Sau đó, bị cáo kháng cáo kêu oan; Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Ðà Nẵng cũng kháng nghị bản án trên. Do đó, Tòa án nhân dân cấp cao đã xét xử phúc thẩm vụ án.

Ông Duẩn kêu oan vì cho rằng, bản thân đã góp vốn 3 tỷ đồng, ông không thể chiếm đoạt tiền của chính mình.

Chưa xác minh rõ nguồn gốc tiền

Cấp phúc thẩm thấy rằng, việc giả mạo văn bản nếu có cũng không có giá trị pháp lý về quyền điều hành Công ty. Vì theo Ðiều 157, Luật Doanh nghiệp năm 2014, ông Vũ Văn Duẩn là Tổng giám đốc kiêm đại diện theo pháp luật, điều hành công việc kinh doanh hàng ngày.

Báo cáo tài chính năm 2015 (đã kiểm toán) cho thấy, tại thời điểm 1/1/2015, tổng tài sản Công ty là 16,6 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 751,8 triệu đồng.

Tại ngày 31/12/2015, con số này lần lượt là 31,6 tỷ đồng và 516 triệu đồng. Như vậy, Công ty kinh doanh có lãi, không có tài sản bị thất thoát, phần vốn góp của các cổ đông vẫn được bảo toàn.

Thực tế, từ năm 2014 - 2015 cũng không có khách hàng tố cáo ông Duẩn chiếm đoạt tiền, Công ty cũng không trả tiền thay cho ông Duẩn.

Các thành viên khác cũng không phải nộp thêm tiền để bị cáo chiếm đoạt. Ông Duẩn còn xuất trình các chứng từ cho các cổ đông khác vay tiền góp vốn từ năm 2014 - 2015.

Tòa án cấp phúc thẩm xác định, việc cơ quan điều tra kết luận ông Duẩn chiếm đoạt số tiền 2,3 tỷ đồng là không đúng.

Ngày 28/11/2017, ông Duẩn phải viết giấy đề nghị mua lại cổ phần với mức giá chuyển nhượng bằng số vốn ban đầu, trong khi Công ty đang có lãi, là do bị ép buộc trong thời gian đang bị tạm giam.

Cơ quan điều tra cũng chưa xác định số tiền 5,6 tỷ đồng là khoản nào, nếu là tài sản của Công ty phát sinh thêm thì phải có phần vốn và lãi được chia của bị cáo.

Do đó, tòa án thấy cần phải xác định lại toàn bộ giá trị tài sản Công ty đến hết năm 2017 để tính toán lại và chờ có kết luận trưng cầu giám định tài sản.

Trên thực tế, không ít doanh nghiệp vẫn phải chịu những khoản chi phí ngoài, chi phí “bôi trơn” để công việc được suôn sẻ và tất nhiên, doanh nghiệp không thể chứng minh được tính hợp pháp của các khoản chi này. Trong khi đó, những khoản chi ngoài tiềm ẩn rủi ro cho cả lãnh đạo, nhân viên doanh nghiệp.

Tin bài liên quan