Ảnh Internet

Ảnh Internet

Quyền tự do kinh doanh, động lực cho phát triển kinh tế

(ĐTCK) Mỗi lần sửa đổi Luật Doanh nghiệp là mỗi lần có những đổi mới về tư duy quản lý kinh tế của Nhà nước. Sau mỗi lần sửa luật, xã hội lại chứng kiến bước phát triển mới của cộng đồng doanh nghiệp và phát triển kinh tế.
 

Luật Doanh nghiệp 2014 với những thay đổi đột phá về quyền kinh doanh, tăng tính chủ động, sáng tạo cho người dân trong kinh doanh được kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của kinh tế đất nước.

Kinh tế tư nhân lần đầu tiên được thừa nhận vào năm 1988 khi Chính phủ ban hành Nghị định số 27-HĐBT cho phép người dân được mở xí nghiệp tư doanh và cho phép chuyển hợp tác xã thành xí nghiệp tư nhân. Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân được ban hành năm 1990, đánh dấu thời điểm chính thức thừa nhận về mặt pháp lý đối với kinh tế tư nhân.

Kể từ đó đến nay, Luật Doanh nghiệp đã qua ba lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 1999, 2005 và gần đây nhất là năm 2014. Khác với luật công ty của nhiều nước, ngoài nội dung cơ bản về quản trị doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp của nước ta chứa đựng trong đó những cải cách quan trọng, đột phá về quyền kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp.

Luật Doanh nghiệp 1999

Cải cách lớn nhất trong Luật Doanh nghiệp 1999 là Luật được xây dựng trên nguyên tắc người dân được quyền tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm, trái ngược với nguyên tắc trước đó là người dân chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Cải cách này đã góp phần tạo ra một cú hích trong phát triển kinh tế, thúc đẩy tư duy sáng tạo về ý tưởng và phương thức tổ chức kinh doanh.

Cải cách lớn thứ hai là về thủ tục hành chính. Cải cách này đã giải phóng cho doanh nghiệp khỏi nhiều vướng mắc trong khâu gia nhập thị trường, được tự do thành lập doanh nghiệp với thủ tục đơn giản, ít tốn kém; bãi bỏ yêu cầu vốn tối thiểu, tự do lựa chọn, thay đổi và bổ sung ngành nghề kinh doanh; tự do lựa chọn địa bàn kinh doanh, mở rộng địa bàn kinh doanh… Những cải cách này ngay lập tức đã tạo ra những kết quả rất tích cực.

Theo báo cáo đánh giá hai năm thi hành Luật Doanh nghiệp 1999 của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, thực hiện vào năm 2002, trong hai năm 2000-2001, đã có 35.457 doanh nghiệp mới đăng ký thành lập, gần bằng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập trong 9 năm trước đó (1991-1999). Cũng trong hai năm 2000-2001, các doanh nghiệp đã đăng ký mới và bổ sung tổng cộng 55.000 tỷ đồng vốn vào hoạt động kinh doanh (khoảng 4 tỷ USD), tương đương số vốn đăng ký đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong cùng kỳ.

Luật Doanh nghiệp 1999 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để cắt bỏ nhanh hàng trăm loại giấy phép kinh doanh không cần thiết, là công cụ quan trọng để đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho doanh nghiệp. Giai đoạn 2000-2003, tổng số 170 loại giấy phép kinh doanh đã được bãi bỏ hoặc chuyển thành điều kiện kinh doanh không cần giấy phép.

Quyền tự do kinh doanh, động lực cho phát triển kinh tế ảnh 2

Luật Doanh nghiệp 2005

Ngày 29/11/2005, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 (sau đây gọi là Luật Doanh nghiệp 2005). Luật này thay thế Luật Doanh nghiệp 1999 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2006. Cải cách quan trọng của Luật Doanh nghiệp 2005 là thống nhất quy định về tổ chức quản lý các loại hình doanh nghiệp, không phân biệt nguồn gốc và cơ cấu sở hữu; khắc phục những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật hiện hành về doanh nghiệp, đặc biệt là sự chia cắt, tách biệt áp dụng theo thành phần kinh tế.

Luật Doanh nghiệp 2005 đã thay thế Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003 và Luật Đầu tư nước ngoài 1996. Kế thừa và phát huy cải cách quan trọng của Luật Doanh nghiệp 1999, Luật Doanh nghiệp 2005 tiếp tục mở rộng quyền tự do kinh doanh, rút ngắn thời gian đăng ký doanh nghiệp, cho phép thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên là cá nhân; hoàn thiện quy định về quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế tốt.

Mặc dù không tạo ra tác động đột biến như Luật Doanh nghiệp 1999, Luật Doanh nghiệp 2005 tiếp tục có những tác động tích cực vào phát triển khu vực kinh tế tư nhân, cải cách doanh nghiệp nhà nước và thu hút đầu tư nước ngoài.

Số liệu thống kê cho thấy, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới hàng năm tiếp tục tăng nhanh, năm sau cao hơn năm trước kể từ khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực thi hành. Năm 2009, số lượng doanh nghiệp đạt mức kỷ lục, 84.531 doanh nghiệp, gấp 2,1 lần so với năm 2006 và gấp 5,8 lần so với năm 2000(*).

Luật Doanh nghiệp 2014

Luật Doanh nghiệp 2014 được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2014 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2015. Luật này được soạn thảo và thông qua với nhiều thay đổi đột phá về quyền kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cải cách con dấu, bảo vệ tốt lợi ích của nhà đầu tư, dễ dàng trong tái cơ cấu doanh nghiệp.

Những thay đổi nói trên của Luật Doanh nghiệp 2014 được dự báo sẽ giúp thực hiện đầy đủ trên thực tế quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp 2013; sẽ giảm đáng kể rủi ro thương mại và pháp lý, giảm chi phí giao dịch, tăng độ an toàn và tính chủ động, sáng tạo cho doanh nghiệp trong kinh doanh; qua đó, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tận dụng hết tiểm năng và cơ hội kinh doanh để phát triển.

Theo số liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong tháng đầu thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định mới (từ 1/7 - 30/7/2015), cả nước có 7.662 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký 43.847 tỷ đồng, tăng 66,2% về số doanh nghiệp và tăng 49,4% về số vốn so với cùng kỳ năm 2014. So cùng thời điểm của tháng trước (từ ngày 1 -30/6/2015), số doanh nghiệp thành lập mới tăng 15,7%.

Để đánh giá đúng tác động của Luật Doanh nghiệp 2014 lên môi trường kinh doanh thì cần thêm thời gian và nhiều số liệu tổng hợp liên quan, nhưng thực tế cho thấy, tình hình đăng ký doanh nghiệp của cả nước trong 4 tuần đầu thi hành Luật Doanh nghiệp 2014 tiếp tục duy trì được tốc độ tăng về số doanh nghiệp thành lập và số vốn đăng ký.

Khi xây dựng một bộ luật, các bên liên quan luôn đứng trước tình thế lưỡng lự giữa việc trao thêm quyền cho người dân hay tăng thêm quyền quản lý cho mình. Thực tế nói trên là bằng chứng rõ ràng cho thấy, không phải ưu đãi, bao cấp hay bảo hộ mà là “cởi trói”, trao quyền cho người dân tự nó sẽ phát huy được tác dụng trong huy động nguồn lực, sáng kiến, trí tuệ để phát triển. Điều quan trọng là phải vượt qua được tư duy “năng lực quản lý đến đâu thì mở đến đó” và thay bằng tư duy “năng lực quản lý phải được xây dựng để phù hợp và thúc đẩy sự phát triển đất nước”.   

* Báo cáo đánh giá thi hành Luật Doanh nghiệp 2005. Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp thực hiện năm 2013. Tuy nhiên, từ năm 2010, do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, số lượng doanh nghiệp thành lập lần đầu tiên có xu hướng giảm xuống hơn 83.000 (năm 2010) và 77.548 (năm 2011).

Tin bài liên quan