Phần nổi của tảng băng “ngã giá dưới gầm bàn”

Phần nổi của tảng băng “ngã giá dưới gầm bàn”

(ĐTCK) Nhiều chỉ số kinh doanh ở các địa phương đã được cải thiện, song những vụ việc doanh nghiệp bị thanh tra nhũng nhiễu, vòi tiền vẫn tái diễn. Vụ việc của thanh tra Bộ Xây dựng gần đây đã phần nào phản ánh bức tranh nhức nhối đó.

Cuộc “ngã giá dưới gầm bàn”

Năm 2019, Ðoàn thanh tra Bộ Xây dựng do Nguyễn Thị Kim Anh (sinh năm 1975, cựu Phó trưởng phòng Phòng Chống tham nhũng) và 3 thành viên đã đến làm việc tại huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc).

Trong 6 bộ hồ sơ thì có 3 công trình đang nằm trong kế hoạch thanh tra của huyện Vĩnh Tường nên Nguyễn Thị Kim Anh chỉ kiểm tra 3 công trình còn lại, yêu cầu thành viên đoàn là Ðặng Hải Anh (chuyên viên Phòng Thanh tra xây dựng 2) bóc đơn giá, khối lượng, biện pháp thi công trong dự toán, thiết kế.

Ðặng Hải Anh không đến hiện trường, chỉ kiểm tra trên hồ sơ, áp đặt ý chí chủ quan, đưa ra các lỗi vi phạm để ép, dọa doanh nghiệp phải nộp tiền.

Mặc dù chưa kiểm tra xong nhưng do thời gian làm việc sắp kết thúc nên Hải Anh đã mời đơn vị thi công lên giải trình.

Chiều ngày 11/6/2019, anh Ðỗ Ngọc Y., Giám đốc CTCP Tư vấn thiết kế và xây dựng P.S, đồng thời là Phó Giám đốc Công ty TNHH Ð.T. (đơn vị bị thanh tra 9 hợp đồng thi công xây dựng các công trình) đến gặp Hải Anh tại tòa nhà Ban quản lý dự án huyện Vĩnh Tường.

Hải Anh đã nói với anh Y. về các sai phạm của Công ty và đánh trên máy tính cá nhân số “240”, ý là phải nộp 240 triệu đồng để được xem xét. Anh Y. không đồng ý, muốn giải trình thì Hải Anh nói: “Các ông không cãi lại được với tôi đâu”, đồng thời đánh số “210”.

Ngày hôm sau, anh Y. tiếp tục lên giải trình thì Hải Anh viết số “90”, anh Y than nhiều thì Hải Anh dọa “sẽ đem toàn bộ 6 công trình về Hà Nội để làm, sẽ sai phạm mấy trăm triệu”.

Trước thái độ gay gắt trên, anh Y. xuống xe ô tô lấy 90 triệu đồng, buộc dây chun thành 2 tập, gói vào tờ giấy lịch cuốn vào tờ giấy A4 có ghi danh sách các công trình và đưa tiền.

Ðặng Hải Anh mở ngăn tủ dưới bàn làm việc, bảo anh Y. bỏ tờ giấy A4 bọc bên ngoài đi, vứt cục tiền vào ngăn tủ. Ngay lúc đó, cơ quan công an ập vào kiểm tra bắt quả tang.

Ngoài hành vi trên, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã làm rõ trong thời gian rất ngắn, từ tháng 5 đến ngày 12/6/2019, Nguyễn Thị Kim Anh, Ðặng Hải Anh, Nguyễn Thị Kim Liên (cán bộ phòng Thanh tra xây dựng 3), Nguyễn Thùy Linh (thành viên đoàn thanh tra) có hành vi chiếm đoạt số tiền hơn 2 tỷ đồng của 54 doanh nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Tường.

Kết luận điều tra cũng chỉ ra rằng, công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn các xã, thị trấn huyện Vĩnh Tường còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là việc lựa chọn nhà thầu. Một số nhà thầu chưa có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng và các điều kiện khác nhưng vẫn được tham gia.

Phần nổi của tảng băng chìm

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho rằng, vụ việc trên chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” trong thực trạng vi phạm lĩnh vực xây dựng ở Việt Nam mà thời gian tới có lẽ còn nhiều vụ việc sẽ bị xử lý.

Báo cáo chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019 (PCI) cho thấy những con số đáng suy ngẫm: Tỷ lệ doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra là 39,3%; tỷ lệ doanh nghiệp phải chi trả trên 10% doanh thu cho các khoản chi phí không chính thức là 7,5%.

Theo luật sư Truyền, khi các doanh nghiệp chấp nhận thực trạng này để có được hợp đồng, để tham gia vào dự án thì vô hình trung đã tự làm khó cho mình vì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Mặt khác, để đảm bảo có lãi, doanh nghiệp buộc phải co kéo, dẫn đến chất lượng công trình, nghĩa vụ trong hợp đồng sẽ không bảo đảm - tức là vi phạm hợp đồng.

Ðồng thời, việc này tạo ra các tiền lệ xấu, làm lãng phí nguồn lực đầu tư khi giá trị nhận được không tương xứng với chi phí bỏ ra, hơn nữa, tạo ra môi trường kinh doanh bất bình đẳng, tổn hại sâu sắc đến uy tín của cơ quan quản lý nhà nước.

Theo luật sư, các giải pháp có nhiều song điều cần nhất là cơ quan nhà nước phải đảm bảo sự minh bạch trong công tác đấu thầu; đồng thời, đảm bảo sự giám sát của người dân trong toàn bộ quá trình thực hiện dự án.

“Khi chính quyền làm tốt thì tự doanh nghiệp sẽ phải chạy theo. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tự nâng cao kiến thức, sự chuyên nghiệp và tự đánh giá đúng khả năng của mình để bảo đảm việc tham gia dự án”, luật sư nói và nhấn mạnh “quan trọng hơn là các chủ doanh nghiệp phải biết sợ luật”.

Tin bài liên quan