Phải có tư vấn đồng hành khi mua bán, sáp nhập

(ĐTCK) Làm thế nào gia tăng giá trị doanh nghiệp trong mắt người mua khi thực hiện mua bán, sáp nhập (M&A) là chủ đề chính được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm tại hội thảo cùng tên do Grant Thornton tổ chức tại TP.HCM mới đây. Bà Nguyễn Thị Vĩnh Hà, đồng đối tác, Giám đốc Dịch vụ tư vấn Grant Thornton Việt Nam trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về các vấn đề liên quan.
Phải có tư vấn đồng hành khi mua bán, sáp nhập

Với kinh nghiệm thực hiện tư vấn M&A cho nhiều doanh nghiệp, theo bà, làm thế nào biết được người mua quan tâm đến những yếu tố nào của doanh nghiệp bán khi thực hiện M&A?

Kinh nghiệm triển khai M&A cho thấy, người mua quan tâm đến 9 yếu tố khi thực hiện M&A. Đó là, dòng tiền tương lai (ổn định, dự báo được và rủi ro thay đổi ít); tiềm năng phát triển của công ty; công bố thông tin minh bạch; nguồn nhân lực tốt, chất lượng nhân viên cao để có thể duy trì sự phát triển trong tương lai; cơ sở khách hàng rộng đa dạng; cơ sở vật chất, máy móc thiết bị được quản lý tốt; doanh nghiệp có đa dạng sản phẩm, đa dạng về giải pháp; tài sản ngoại bảng, nghĩa vụ tiềm tàng chưa ghi nhận trong sổ sách của doanh nghiệp (những doanh nghiệp có kiện tụng, hoặc vấn đề môi trường, thì phải giải quyết trước khi chào bán, hoặc chí ít phải có giải pháp khả thi để xử lý vấn đề này) và hệ thống, quy trình hoạt động rõ ràng minh bạch.

Trong 9 yếu tố trên, yếu tố nào quan trọng nhất, thưa bà?

Có một sự khác biệt trong thực hiện thương vụ M&A giữa người mua và người bán. Nếu người bán bị chi phối bởi cảm xúc và theo xu hướng phóng đại giá trị dựa trên cảm xúc về vốn, tâm huyết thành lập doanh nghiệp..., thì ngược lại, người mua lại rất thực tế, họ chỉ chịu bỏ tiền khi đánh giá được rủi ro thực tế và ước được lợi nhuận thu được từ tương lai. Nói cách khác, dự báo dòng tiền, lợi nhuận trong tương lai từ giá trị thực tế là điều người mua quan tâm nhất.

Không chỉ là doanh thu hiện tại, người mua còn quan tâm đến khả năng phát triển trong tương lai của doanh nghiệp. Câu chuyện phát triển, hoặc chiến lược phát triển như thế nào chính là điểm gia tăng giá trị nếu doanh nghiệp biết chú trọng, tự xây dựng cho mình một chương trình phát triển làm sao hấp dẫn nhà đầu tư (tất nhiên, phải thực tế và mang tính thuyết phục cao).

Ngoài ra, những yếu tố khác cũng rất quan trọng, như hệ thống hoạt động của doanh nghiệp phải minh bạch, hệ thống kinh doanh phải rõ ràng, có văn bản hóa, đội ngũ nhân viên phải có đầu tư đạt giá trị… Đó là các tài sản ngoài các tài sản có giá trị bằng con số giúp tăng giá trị doanh nghiệp trong mắt người mua.

Bà có đề cập sự minh bạch trong hoạt động, nhưng thực tế xuất phát điểm của nhiều doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp gia đình và sự tồn tại hai hệ thống kế toán là một trở ngại chưa thể khắc phục một sớm, một chiều?

Đây là thực trạng của nhiều doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp gia đình, công ty tư nhân xuất phát từ những đơn vị nhỏ, thậm chí, họ không xây dựng hệ thống kế toán, mà chỉ có sổ sách rất đơn giản. Nhiều chủ doanh nghiệp nghĩ rằng, họ nắm được công tác kinh doanh, nhưng lại thiếu sự quan tâm và đánh giá đúng mức về tầm quan trọng của việc xây dựng và duy trì một hệ thống sổ sách minh bạch. Do đó, khi doanh nghiệp phát triển đến quy mô lớn, chắc chắn sẽ gặp vấn đề.

Việc có hai hệ thống sổ với nhà đầu tư nước ngoài là hết sức nguy hiểm, họ rất kỵ những doanh nghiệp có hệ thống này. Có thể, mục đích của hai hệ thống sổ sách là để giảm nghĩa vụ thuế, nhưng ở góc độ M&A, thì nghĩa vụ này có thể đến bất kỳ lúc nào trong tương lai và người mua sẽ xem là yếu tố rủi ro và như vậy, giá trị của doanh nghiệp sẽ rất thấp.

Lời khuyên của bà cho những doanh nghiệp này là gì?

Một khi đã có kế hoạch, ý định mời nhà đầu tư vào doanh nghiệp, hoặc muốn bán doanh nghiệp, thì phải có lộ trình để minh bạch hóa vấn đề tài chính. Do vậy, cách tốt nhất là nên thuê tư vấn, để rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí.

Ở góc độ doanh nghiệp muốn bán, khái niệm giá trị doanh nghiệp phụ thuộc dòng tiền trong tương lai có vẻ mang định tính hơn định lượng?

Tôi cho rằng, có những yếu tố định lượng rõ ràng, vì một khi đưa ra dự báo, phải có cơ sở và con số rõ ràng để tính toán. Khi đó, doanh nghiệp cần làm việc với tư vấn để có thể tính toán mô hình rõ ràng.

Ví dụ, doanh nghiệp muốn phát triển sản phẩm nào? Hay sản phẩm đó bán ở thị trường nào với số lượng bao nhiêu? Năm sau, mức tăng trưởng cụ thể ra sao?...

Tuy vậy, vẫn có yếu tố không chắc chắn, như chính sách vĩ mô, tác động kinh tế… Theo tôi, tư vấn sẽ giúp doanh nghiệp dự báo có độ chính xác cao hơn.

Nhiều doanh nghiệp băn khoăn rằng, làm thế nào để tìm được người mua phù hợp, thưa bà?

Doanh nghiệp phải biết bản thân muốn gì? Muốn bán toàn bộ doanh nghiệp, ai trả giá cao, thì bán, hay muốn ở lại công ty và tìm bạn đồng hành hỗ trợ vốn để tiếp tục giấc mơ kinh doanh? Sau khi doanh nghiệp xác định sẽ lựa chọn người mua phù hợp đến với mình, doanh nghiệp phải tìm hiểu nguyện vọng, tâm tư của người mua, tìm hiểu ý định người mua là gì, có phù hợp với nguyện vọng của mình hay không? Do vậy, điều quan trọng nhất là phải xác định được người mua phù hợp nhất, khi đó, sẽ đưa ra được mức giá cao nhất.

Để gia tăng giá trị, doanh nghiệp nên lựa chọn phương pháp định giá nào?

Có 3 phương pháp định giá đang được sử dụng là định giá thị trường (dựa trên các giao dịch mua bán cổ phiếu của các công ty tương đương trên thị trường); phương pháp thu nhập (thực hiện thông qua chiết khấu dòng tiền trong tương lai về các giá trị hiện tại) và phương pháp tài sản (dựa trên tổng giá trị thị trường của các tài sản và các khoản nợ riêng lẻ).

Trong 3 phương pháp trên, phương pháp thu nhập là lựa chọn tối ưu nếu doanh nghiệp muốn đạt giá trị cao nhất. Ưu điểm của phương pháp này là chú trọng phát triển tương lai nhiều hơn hoạt động trong quá khứ.