Nỗi lo thất thoát hàng hóa khi thuê kho chứa

Nỗi lo thất thoát hàng hóa khi thuê kho chứa

(ĐTCK) Trong thời buổi “tấc đất tấc vàng” như hiện nay, việc lưu giữ hàng hóa luôn là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu. Sau khi tìm được kho bãi có địa điểm thuận lợi, đáp ứng đủ điều kiện về diện tích, doanh nghiệp còn thường trực nỗi lo về những rủi ro khác như hỏa hoạn, mức độ an toàn, tránh thất thoát.

Mới đây, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội vừa đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại giữa Công ty TNHH Việt Nam - Hàn Quốc và Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Đức Huyền.

Nội dung vụ kiện thể hiện, từ ngày 1/1/2013, Công ty Việt Nam - Hàn Quốc (bên A) ký hợp đồng thuê kho bãi chứa hàng tại địa chỉ Khu cửa vườn, xã Bình Xuyên, huyện Bình Xuyên, quận Gia Lâm, TP. Hà Nội. Tổng diện tích thuê được xác định là 300m2, thời gian thuê là 2 năm, giá thuê là 40.000 đồng/m2/tháng.

Theo hợp đồng, Công ty Đức Huyền (bên B) có trách nhiệm trông giữ kho bãi, hàng hóa trong kho của Công ty Việt Nam - Hàn Quốc. Mỗi tháng, hai bên tiến hành kiểm kê hàng hóa trong kho một lần. Trường hợp hàng hóa trong kho bị mất, bên B có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ giá trị hàng hóa theo thị trường.

Ngày 31/5/2014, khi kiểm tra hàng hóa tại kho, Công ty Việt Nam - Hàn Quốc phát hiện thất thoát số lượng 810 bình đun nước siêu tốc nhãn hiệu Daelux, mã hàng DXK 528.

Sau khi phát hiện số hàng bị mất, hai bên đã ký biên bản làm việc xác nhận vụ việc. Công ty Việt Nam - Hàn Quốc đã nhiều lần đề nghị Công ty Đức Huyền phải bồi thường toàn bộ số hàng bị mất.

Đến ngày 30/9/2014, Công ty Việt Nam - Hàn Quốc và Công ty Đức Huyền ký Biên bản thanh lý hợp đồng, chấm dứt việc thuê kho bãi. Công ty Việt Nam - Hàn Quốc đã thanh toán đầy đủ cho bên B chi phí liên quan đến kho bãi đồng thời chuyển toàn bộ hàng hóa ra khỏi kho của bên B.

Tuy nhiên, tại biên bản thanh lý hợp đồng, Công ty Đức Huyền không đồng ý bồi thường giá trị số hàng bị mất (810 bình đun nước siêu tốc). Do đó, Công ty Việt Nam - Hàn Quốc đã đệ đơn lên tòa, đề nghị buộc bên B thanh toán toàn bộ số tiền hơn 354 triệu đồng, ứng với số lượng hàng trên.

Tháng 9/2015, Tòa án nhân dân quận Long Biên đưa vụ án ra xét xử và chấp nhận đơn khởi kiện của Công ty Việt Nam - Hàn Quốc. Không đồng tình với quyết định của bản án sơ thẩm, phía bị đơn đã kháng cáo lên Tòa án nhân dân Hà Nội vì cho rằng việc xét xử là thiếu sót, chưa khách quan.

Tại phiên tòa diễn ra ngày 25/3/2016, Công ty Việt Nam - Hàn Quốc đã đưa ra cách giải quyết là đồng ý giảm trừ số tiền bồi thường xuống còn 150 triệu đồng. Mặc dù nguyên đơn đã tỏ rõ sự thiện chí song bị đơn từ chối phương án này và chỉ chấp nhận hoàn trả số tiền 100 triệu đồng. Do hòa giải bất thành nên Hội đồng xét xử tiếp tục xem xét đơn kháng án của bị đơn.

Công ty Đức Huyền cho rằng, số liệu ngày hàng hóa về bên A gửi cho bên B và số lượng hàng tồn kho cuối cùng chỉ là 2.094 chiếc bình đun nước siêu tốc. Trái lại, Công ty Việt Nam – Hàn Quốc chứng minh rằng số liệu 2.094 chiếc là lỗi đánh máy. Sau đó, Công ty Việt Nam – Hàn Quốc làm lại phiếu xuất kho với số lượng hàng là 2.904 chiếc. Số liệu này phù hợp với hợp đồng mua bán, hóa đơn thuế. Mặt khác, Công ty Đức Huyền đã xác nhận số hàng trên.

Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP. Hà Nội nhận định, phía bị đơn kháng cáo nhưng không đưa ra được tài liệu chứng minh lỗi thất thoát hàng hóa không phải từ phía Công ty Đức Huyền. Sau khi xem xét toàn bộ nội dung vụ án, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã quyết định bác đơn kháng cáo. Đồng nghĩa, Công ty Đức Huyền phải có nghĩa vụ bồi thường đầy đủ số tiền ứng với giá trị hàng hóa bị mất.  

Tin bài liên quan