Những điểm mới trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp nhỏ

Những điểm mới trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp nhỏ

(ĐTCK) Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiều 22/2 tại Hà Nội.

Tại Hội thảo, ông Hồ Sĩ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Dự thảo lấy ý kiến lần này có một số điểm sửa đổi so với Dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV.

Theo đó, Dự thảo Luật đã tiếp thu các ý kiến góp ý theo hướng phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới mô hình tăng trưởng.

Dự thảo Luật thiết kế hỗ trợ cơ bản cho tất cả các DNNVV với 8 nội dung trọng điểm, trong đó tập trung hỗ trợ theo mục tiêu có chọn lọc, trọng điểm theo định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ nền kinh tế.

Đặc biệt, dự thảo Luật được thiết kế theo hướng tuân thủ nguyên tắc thị trường, hỗ trợ có thời hạn giúp DNNVV ổn định sản xuất, kinh doanh về: tiếp cận tín dụng, hỗ trợ thuế, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, hỗ trợ DNNVV theo mục tiêu.  

Dự thảo cũng đưa ra các phương án hỗ trợ có chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời thu hẹp đối tượng hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm.

Dự thảo cũng rà soát để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật như: Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đất đai; Luật Đấu thầu; Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp; Luật Đầu tư… Đồng thời quy định rõ hơn đối tượng, điều kiện, nội dung hỗ trợ; làm rõ chủ thể thực hiện hỗ trợ và giao trách nhiệm cho các bộ, ngành liên quan và địa phương, bảo đảm việc triển khai Luật, tăng tính khả thi của Dự thảo Luật.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đều khẳng định sự cần thiết phải ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV và đánh giá cao nội dung cốt lõi của luật, tuy nhiên vẫn còn một số nội dụng cần được làm rõ để luật được thông qua và áp dụng vào thưc tiễn để đạt hiệu quả và tính khả thi cao nhất.

Trong đó các nội dung tại dự thảo Luật được các đại biểu đặc biệt quan tâm như hỗ trợ mặt bằng trong sản xuất ( khoản 2 Điều 10); Quỹ bảo lãnh: vì mục tiêu lợi nhuận (khoản 3, Điều 8); chuỗi quốc gia phân phối sản phẩm; hỗ trợ mua sắm công; Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo…

Tiếp thu các ý kiến đóng góp bổ sung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Dương Quốc Anh cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến và tiếp tục tổ chức các hội thảo tham vấn ý kiến của các bên liên quan để hoàn thành dự thảo báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến trước khi trình Quốc hội.

Theo Ban soạn thảo, kết cấu Luật Hỗ trợ DNNVV gồm 4 chương, 40 điều. Chương 1 là những quy định chung; Chương 2 gồm nội dung Hỗ trợ DNNVV; Chương 3: Quản lý nhà nước và trách nhiệm DNNVV; Chương 4: Điều khoản thi hành.

Theo ông Hùng, mục tiêu của Luật là hỗ trợ DNNVV phù hợp với định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Với mục tiêu cụ thể là hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Tin bài liên quan