Nhìn lại các câu chuyện mà doanh nghiệp "tố khổ" với Thủ tướng

(ĐTCK) Lớn nhất vướng mắc cụ thể chuyển tới Thủ tướng Chính phủ vì chưa được giải quyết ở cấp dưới. Có những chuyện mà doanh nghiệp "không thể lý giải nổi"!
Nhìn lại các câu chuyện mà doanh nghiệp "tố khổ" với Thủ tướng

Là một trong rất ít doanh nghiệp có cơ hội phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2014, ông Alain Cany, Chủ tịch Liên minh doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã nhận được chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ về vướng mắc trong hành trình 14 tháng vẫn chưa hoàn tất nổi thủ tục mở cửa hàng mới tại Hà Nội của Công ty TNHH Pizza Việt Nam.

Theo đó, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội sẽ trực tiếp làm việc với ông Alain Cany để giải quyết việc này.

“Đây là tin tốt đối với tôi. Nhưng mục đích tôi chia sẻ câu chuyện cụ thể không phải nhằm giải quyết một vướng mắc, mà để Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng biết được thực tế doanh nghiệp đang đối mặt với những khó khăn gì, để thấy được thủ tục hành chính đang cản trở doanh nghiệp ra sao”, ông Alain Cany chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư ngay sau khi Hội nghị kết thúc.

Thực ra, đây không phải lần đầu tiên những khó khăn trong hành trình xin mở thêm 3 cửa hàng Pizza Hut của Công ty TNHH Pizza Việt Nam được kêu tới các cơ quan quản lý nhà nước. Cách đây khoảng 1 tháng, trong Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại TP.HCM, vướng mắc này cũng đã được đặt ra và lời hứa của đại diện Bộ Công thương khi đó là sẽ phối hợp với các ngành chức năng giải quyết nhanh thủ tục.

“Ngày 11/4/2014, chúng tôi nhận được thông tin của

Sở Kế hoạch và Đầu tư là mới có 2 bộ cho ý kiến về đề nghị của chúng tôi và yêu cầu bổ sung hồ sơ mới. Tuy nhiên, không tính tới báo cáo kiểm toán năm 2013 mới được cập nhật, thì toàn bộ văn bản khác chúng tôi đã cung cấp cho cơ quan này 14 tháng trước”, ông Alain Cany cho biết cụ thể.

Câu chuyện của Alain Cany chắc chắn không phải là đơn lẻ.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam thậm chí còn than phiền về cách làm việc của tổ thanh tra thuế khi mà “đã thanh tra thì phải có tiền về”. “Nếu như thanh tra mà không phát hiện ra vi phạm, không thu được tiền thì phải mừng vì đó là quản lý tốt chứ không nên đòi hỏi thanh tra là phải thu tiền về”, bà Cúc thẳng thắn.

Cũng phải nói thêm, bà Cúc nguyên là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, nghĩa là bà hiểu rõ cả công việc của tổ thanh tra thuế cũng như nỗi khổ sở của doanh nghiệp trong lúc kinh doanh khó khăn đủ đường vẫn không thể từ chối các đoàn kiểm tra liên tục, nhiều khi về cùng một nội dung…

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp bị nợ đọng xây dựng cơ bản nhưng phải vay ngân hàng để nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu không sẽ bị cơ quan thuế phạt. Bà Phạm Thị Hồng Thái, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nghệ An gọi đây là nghịch cảnh và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp từ khoản nợ xây dựng cơ bản của ngân sách với các doanh nghiệp.

Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Tập đoàn Hợp Lực, Chủ đầu tư Bệnh viện tư nhân Hợp Lực (Thanh Hóa) còn đề đạt nguyện vọng của 170 bệnh viên tư nhân về một cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ.

“Quan điểm, nhận thức của một số bộ, ngành, một bộ phận cán bộ, công chức đánh giá chưa đúng vị trí, vai trò của khối bệnh viện tư nhân nên trong quá trình chỉ đạo còn có sự phân biệt, đối xử thiếu công bằng. Một số quy định như phân thẻ bảo hiểm y tế, thanh quyết toán bảo hiểm y tế, chuyển tuyến, mua thuốc, vật tư y tế tập trung… đang cản trở hoạt động của bệnh viện tư nhân”, ông Đệ nói và lo ngại nếu không thay đổi chính sách, nhiều bệnh viên tư nhân sẽ đóng cửa.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đề xuất tiếp tục giảm lãi suất cho vay và nới rộng các điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận được các nguồn vốn từ ngân hàng.

Nếu có cơ hội sẽ giảm lãi suất ngay.

- Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Về kiến nghị giảm lãi suất hơn nữa, dù rất muốn nhưng việc này phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế vĩ mô. Ngay quyết định giảm lãi suất vừa rồi cũng được cân nhắc rất cẩn trọng vì phải cân đối rất nhiều yếu tố. Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao tình hình kinh tế vĩ mô, phân tích kỹ lưỡng, 10-15 ngày một lần, để nếu có cơ hội sẽ giảm lãi suất ngay. Vấn đề là việc giảm lãi suất phải bền vững, tránh giật cục, để doanh nghiệp có cơ sở tính toán phương án kinh doanh.

Cho phép khấu trừ nợ đầu tư xây dựng cơ bản để nộp thuế thu nhập DN.            

 - Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính

Chúng tôi ủng hộ hướng cho doanh nghiệp dùng khoản nợ đầu tư xây dựng cơ bản từ các dự án đầu tư công để trừ vào phần thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Tuy nhiên, việc này phải tính toán cụ thể vì chỉ có thể bù trừ số vốn xây dựng cơ bản đã được giao trong kế hoạch và dự toán hàng năm, chứ nợ đọng xây dựng cơ bản mà không trong khoản vốn được ghi thì không có nguồn để bù trừ.

Kiên quyết loại bỏ những điều kiện kinh doanh nếu không cần thiết.

- Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Tháng 6/2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát các điều kiện kinh doanh. 

Trong thời gian vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành rà soát và lên danh mục 300 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chúng tôi đang đề nghị các bộ, ngành tiếp tục rà soát và kiên quyết loại bỏ những điều kiện kinh doanh nếu không cần thiết, không phù hợp, ảnh hưởng tới quyền kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp.

Liên quan đến tháo gỡ khó khăn, cải thiện tình trạng tiếp cận vốn, tín dụng cho doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ sớm đưa Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa vào hoạt động.

Tin bài liên quan