Nhận "di sản" bảo lãnh của Habubank, SHB thua kiện

Nhận "di sản" bảo lãnh của Habubank, SHB thua kiện

(ĐTCK) Từ năm 2008, Habubank nhận bảo lãnh hoàn trả tạm ứng cho một hợp đồng xây dựng. Sau khi Habubank sáp nhập vào SHB, trách nhiệm này được đẩy sang SHB. Mới đây, SHB bị Tòa án buộc phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán bảo lãnh.

Cụ thể, ngày 15/8/2008, Công ty Thủy điện Miền Nam và Công ty Cavico Việt Nam (Cavico) ký hợp đồng xây dựng. Theo đó, Công ty Thủy điện Miền Nam giao cho Công ty Cavico tiến hành thi công xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị các hạng mục: đường hầm dẫn nước giữa ngách số 1 và ngách số 1 đến Nhà máy, trạm phân phối 110KV, gói thầu 06 thuộc công trình Nhà máy Thủy điện Đam’Bri (Lâm Đồng). Giá trị hợp đồng tạm tính là 307,77 tỷ đồng.

Công ty Thủy điện Miền Nam sẽ tạm ứng cho Cavico 10% giá trị hợp đồng là 30,77 tỷ đồng với điều kiện có bảo lãnh hoàn trả tạm ứng. Trước yêu cầu này, Cavico đã làm việc với Habubank và Habubank phát hành chứng thư bảo lãnh hoàn trả tiền tạm ứng.

Ngày 26/1/2008, Công ty Thủy điện Miền Nam đã chuyển cho Cavico số tiền tạm ứng như đã cam kết.

Tuy nhiên, quá trình thi công, do Cavico không có năng lực, thiếu hụt tài chính… dẫn đến chậm tiến độ, ảnh hưởng tiến độ chung của dự án, gây thiệt hại cho chủ đầu tư. Do đó, hai bên đã thống nhất cắt giảm một số hạng mục, khối lượng của hợp đồng.

Cụ thể, hai bên đã thống nhất chấm dứt hợp đồng nói trên, Cavico sẽ hoàn trả số tiền tạm ứng là 10,59 tỷ đồng (biên bản họp ngày 7/5/2012) trước ngày 11/5/2012. Quá thời hạn trên, nếu Cavico vẫn chưa hoàn trả, Công ty Thủy điện Miền Nam có quyền yêu cầu Habubank thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Thực tế, Cavico đã không thực hiện được cam kết, nên ngày 23/5/2012, Công ty Thủy điện Miền Nam đã có văn bản yêu cầu Habubank thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Do Habubank không thanh toán bảo lãnh, Công ty Thủy điện Miền Nam đã đệ đơn ra TAND quận Ba Đình. Tuy nhiên, tháng 8/2012, Habubank chính thức sáp nhập với Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và SHB kế thừa mọi nghĩa vụ của Habubank. Sau đó, Công ty Thủy điện Miền Nam tiếp tục yêu cầu Tòa án giải quyết buộc SHB phải trả số tiền tạm ứng và khoản lãi chậm thanh toán từ ngày 29/5/2012 đến ngày 25/9/2013, lãi suất cơ bản 9%/năm, tổng cộng là 11,86 tỷ đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Công ty Thủy điện Miền Nam cho rằng, trong bảo lãnh, phía ngân hàng cam kết “đồng ý đảm bảo thanh toán vô điều kiện cho Công ty Thủy điện Miền Nam mà không cần bất kỳ quyền phản đối gì về phía chúng tôi và cũng không cần Công ty Thủy điện Miền Nam phải thông qua nhà thầu”. Ngân hàng cũng “đồng ý rằng việc thay đổi, thêm bớt hay bổ sung về các điều khoản của hợp đồng sẽ không làm thay đổi theo bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào trong bảo lãnh này”. Do đó, theo Công ty Thủy điện Miền Nam, ngân hàng có trách nhiệm thanh toán số tiền tạm ứng còn lại.

SHB, bên kế thừa trách nhiệm bảo lãnh của Habubank, thừa nhận có việc phát hành bảo lãnh. Nhưng SHB cho rằng, nghĩa vụ bảo lãnh của SHB đã chấm dứt từ thời điểm Cavico và Habubank thanh toán số tiền 13,5 tỷ đồng tạm ứng theo khối lượng công việc được điều chỉnh giảm (ngày 25/5/2010). Khi đó, Công ty Thủy điện Miền Nam rút đơn khởi kiện, Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án thì đương sự không có quyền khởi kiện lại nữa.

Ngoài ra, theo Cavico, giá trị hóa đơn của Cavico xuất cho Công ty Thủy điện Miền Nam đến ngày 27/12/2012 là 118,6 tỷ đồng, trong khi Công ty Thủy điện Miền Nam mới thanh toán cho Cavico là 112,3 tỷ đồng. Số tiền mà Công ty Thủy điện Miền Nam còn thiếu của Cavico là hơn 6 tỷ đồng, việc Công ty Thủy điện Miền Nam đòi hoàn trả tạm ứng 10,59 tỷ đồng là không đúng.

Phía Cavico không có mặt tại phiên tòa sơ thẩm và chỉ có lời khai của Tổng giám đốc Trần Mạnh Hùng, thừa nhận Cavico đang gặp khó khăn không thể trả được số tiền nói trên. Đề nghị SHB trả tiền cho Công ty Thủy điện Miền Nam, Cavico sẽ có trách nhiệm hoàn trả cho SHB sau.

Bản án sơ thẩm cho rằng, việc Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án là đối với số tiền cụ thể 13,5 tỷ đồng mà không phải là toàn bộ số tiền tạm ứng. Đến ngày 7/5/2012, khi hai bên chấm dứt hợp đồng, thì vẫn còn lại 10,5 tỷ đồng tạm ứng. Nghĩa vụ bảo lãnh của Habubank là cho toàn bộ số tiền 30,77 tỷ đồng.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm cho rằng, giá trị thực hiện của Cavico mà SHB đưa ra là tính tổng hợp cho cả hai gói thầu 05, 06, trong khi nguyên đơn chỉ khởi kiện đối với gói thầu 06. Số liệu của Công ty Thủy điện Miền Nam cung cấp cho thấy, giá trị thực hiện tại gói thầu 06 của Cavico chỉ là 77,5 tỷ đồng.

Bản án sơ thẩm đã buộc SHB phải thanh toán cho Công ty Thủy điện Miền Nam số tiền 10,5 tỷ đồng và lãi chậm trả 1,26 tỷ đồng. Tổng cộng SHB phải trả số tiền 11,86 tỷ đồng và chịu án phí sơ thẩm là 119,8 triệu đồng.

Không đồng tình với bản án sơ thẩm, SHB đã có đơn kháng cáo, vì cho rằng, bản án sơ thẩm chưa xem xét đối chiếu công nợ giữa Công ty Thủy điện Miền Nam và Cavico mà đã buộc SHB phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh là không đúng.

Tin bài liên quan