“Nhái” nhãn hiệu tinh vi, nhìn từ vụ việc Đồng Tiền

“Nhái” nhãn hiệu tinh vi, nhìn từ vụ việc Đồng Tiền

(ĐTCK) Lợi dụng cơ chế đăng ký, sửa đổi tên doanh nghiệp dễ dàng, đã xuất hiện hiện tượng doanh nghiệp chiếm đoạt thương hiệu, nhãn hiệu, tên thương mại đã được bảo hộ của doanh nghiệp khác để cấu thành tên doanh nghiệp của mình. 

Ðầu tháng 3/2020, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã có quyết định đình chỉ giải quyết phúc thẩm vụ án tranh chấp sở hữu trí tuệ liên quan đến nhãn hiệu Ðồng Tiền. Lý do là kháng cáo của bị đơn đã quá thời hạn cho phép. 

Nhãn hiệu Ðồng Tiền vốn có mặt trên thị trường hơn 20 năm nay và được biết đến trong lĩnh vực chế biến thực phẩm với các sản phẩm bột chiên tôm, bột chiên giòn. Chủ sở hữu của nhãn hiệu này là ông Phạm Tấn T. (hộ kinh doanh cá thể Ðồng Tiền).

Hộ kinh doanh này đã cung cấp cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận sản phẩm trên từ cuối những năm 1990 và năm 2010 được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Năm 2005, ông Phạm Tấn T. đã đăng ký bảo nhãn hiệu Ðồng Tiền và hình Ðồng Tiền do Cục Sở hữu trí tuệ cấp ngày 12/1/2005, có hiệu lực đến ngày 29/6/2021. Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực đến năm 2023.

Tuy nhiên, vài năm trước, trên thị trường bắt đầu xuất hiện các sản phẩm chứa nhãn hiệu Ðồng Tiền do CTCP Bột thực phẩm Asea sản xuất.

Tháng 2/2016, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Bột thực phẩm Asea số tiền 85 triệu đồng, buộc tiêu hủy 530 thùng sản phẩm, 10 cuộn màng bao vỏ bao gói, 920 vỏ thùng carton đựng bột chiên giòn vì xâm phạm quyền độc quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu Ðồng Tiền.

Sau khi bị xử phạt, đầu tháng 3/2016, CTCP Bột thực phẩm Asea đã tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi tên Công ty thành CTCP Bột thực phẩm Asea Ðồng Tiền.

Theo đơn khởi kiện của ông Phạm Tấn T., việc Bột thực phẩm Asea đổi tên thực chất là cố ý lợi dụng dấu hiệu “Ðồng Tiền” nhằm hợp pháp hóa cho hành vi sử dụng nhãn hiệu Ðồng Tiền trên bao bì sản phẩm bột chiên tôm, bột chiên giòn.

Ðây là hành vi xâm phạm quyền độc quyền quy định tại điểm c, khoản 1, Ðiều 129, Luật Sở hữu trí tuệ 2005; đồng thời vi phạm điều cấm tại khoản 1, Ðiều 19, Nghị định 78/2015/NÐ-CP ngày 14/9/2015 về sử dụng tên thương mại của tổ chức, cá nhân khác đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp.

Ngày 20/5/2016, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ có kết luận giám định khẳng định dấu hiệu “Asea Ðồng Tiền” là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ.

Năm 2019, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội nhận định, dấu hiệu “Asea Ðồng Tiến” là tên thương mại của CTCP Bột thực phẩm Asea Ðồng Tiền, được sử dụng từ ngày 3/3/2016 là có sau so với nhãn hiệu Ðồng Tiền.

Việc bị đơn sử dụng tên thương mại có dấu hiệu Ðồng Tiền sẽ gây nhầm lẫn cho người sử dụng vì nhãn hiệu Ðồng Tiền đã biết đến rộng rãi trên thị trường hàng chục năm nay.

Ðiều 42, Luật Doanh nghiệp năm 2015 cũng cấm doanh nghiệp đặt tên trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp đã đăng ký. Việc đặt tên của bị đơn là vi phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Bản án sơ thẩm đã buộc bị đơn phải chấm dứt hành vi xâm phạm quyền với tên thương mại Ðồng Tiền, phải làm thủ tục đổi tên doanh nghiệp tại Phòng Ðăng ký kinh doanh bằng cách xóa bỏ dấu hiệu tên Ðồng Tiền ra khỏi tên doanh nghiệp, tên giao dịch, tên viết tắt.

Tòa cũng kiến nghị Phòng Ðăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP. Hà Nội thực hiện việc buộc Công ty Asea Ðồng Tiền phải thay đổi tên gọi cho phù hợp; buộc Công ty thu hồi và tiêu hủy toàn bộ bao gói sản phẩm chứa dấu hiệu Ðồng Tiền và tiêu hủy toàn bộ  giấy tờ, tài liệu, biển hiệu quảng cáo, chào hàng… chứa dấu hiệu Ðồng Tiền.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện doanh nghiệp này đã đổi tên thành CTCP Bột thực phẩm A-Asea.

Từ vụ việc trên có thể thấy việc “nhái”, giả mạo nhãn hiệu ngày càng tinh vi. Việc đổi tên Công ty đã bộc lộ rõ ý định sử dụng tên thương mại để gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đang có trên thị trường với động cơ chính là lợi dụng uy tín, sự phổ biến, quen thuộc của thương hiệu có sẵn để người tiêu dùng nhầm tưởng.

Một chuyên gia pháp lý cho biết, để tránh xung đột giữa Luật Doanh nghiệp và Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định số 78/2015/NÐ-CP ngày 14/9/2015 hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp 2014 cũng quy định nguyên tắc ngăn chặn hiện tượng lạm dụng quy định về đăng ký kinh doanh để xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác.

Theo đó, khoản 1, Ðiều 19 quy định: “không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó.

Trước khi đăng ký đặt tên doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp có thể tham khảo các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã đăng ký và được lưu giữ tại cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp”.

Tin bài liên quan