Nhà băng nơm nớp nỗi lo thi hành án

Nhà băng nơm nớp nỗi lo thi hành án

(ĐTCK) Khởi kiện là bước đầu của tiến trình pháp lý, tiếp đó nhà băng còn phải đối diện với công tác thi hành án. Một bản án, quyết định của tòa án càng cụ thể, rõ ràng thì nhà băng sẽ tăng cơ hội giải quyết tài sản đảm bảo, ngược lại có thể dẫn tới khó khăn trong công tác thi hành án. 

Qua thực tiễn xét xử tại tòa án đã phát sinh tình huống bản án, quyết định của tòa án tuyên không sát với tình hình thực tiễn có thể dẫn đến công tác thi hành án gặp khó khăn.

Câu chuyện tại GP Bank là một ví dụ. Năm 2011, Ngân hàng ký hợp đồng tín dụng với vợ chồng ông Nguyễn Toàn Thắng (Hà Nội), giải ngân số tiền 2,95 tỷ đồng để bổ sung vốn góp đầu tư nhà hàng; thời hạn vay 60 tháng, lãi suất 23,5%/năm. Tài sản đảm bảo là 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên gia đình ông Thắng.

Năm 2012, các bên giải chấp một thửa đất và ký lại hợp đồng thế chấp. Tính đến ngày 11/1/2019, khách hàng mới thanh toán một phần nợ gốc và lãi; hiện còn nợ gốc là 2,9 tỷ đồng và lãi, tổng cộng hơn 6 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2012, ngân hàng ký hợp đồng với vợ chồng em trai ông Thắng là ông Nguyễn Trung Tiến, giải ngân số tiền 2 tỷ đồng với mục đích như trên.

Hộ ông Tiến cũng thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gần mảnh đất của gia đình ông Thắng. Với khoản vay này, khách hàng còn dư nợ 3,7 tỷ đồng.

Do hai hợp đồng đều có chung mục đích góp vốn; các bị đơn là anh em ruột, cùng kinh doanh và quản lý toàn bộ khu nhà hàng nằm trên 3 thửa đất liền nhau nên tòa án đã nhập hai vụ án để xét xử trong cùng một vụ án.

Tòa sơ thẩm đã tuyên buộc cả hai khách hàng phải thanh toán nợ gốc và lãi cho ngân hàng. Trường hợp khách hàng không trả được nợ thì ngân hàng có quyền phát mại tài sản đảm bảo.

Tòa cũng tuyên tạm giao cho hai hộ được quản lý, sử dụng 55,1 m2 diện tích công trình lấn chiếm hành lang Sông Bùi và 112 m2 diện tích công trình lấn chiếm hành lang lưu không đường Hồ Chí Minh.

Sau đó, ngân hàng kháng cáo và cuối tháng 10/2019, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã xét xử phúc thẩm. Cấp phúc thẩm đã chỉ ra, bản án sơ thẩm tuyên về phần giải quyết tài sản đảm bảo là không đúng.

Vì phần đất lưu không được giao cho 2 hộ quản lý nằm ở phía trước và phía sau của cả ba thửa đất trên. Nếu giao cho các hộ quản lý thì không có đường vào các thửa đất này, mặt khác giá trị tài sản thế chấp được xác định theo vị trí mặt đường mòn Hồ Chí Minh.

Vì vậy, tòa án cấp phúc thẩm sửa lại và không giao cho hai hộ dân quản lý phần đất trên.

Khi khởi kiện, nhà băng không chỉ quan tâm đến tài sản đảm bảo, mà còn giải quyết toàn bộ khoản vay để có thể khép lại hồ sơ tín dụng.

Tuy nhiên, có trường hợp quyết định pháp lý của tòa án không rõ ràng, khiến nhà băng và cơ quan thi hành án lúng túng nếu thi hành trên thực tế.

Theo đó, năm 2011, SHB cho Công ty TNHH Hưng Bình Minh (ở Hải Phòng) vay số tiền 4 tỷ đồng với lãi suất 23,5%/năm. Doanh nghiệp đã trả xong toàn bộ nợ gốc, một phần nợ lãi và còn nợ lãi trong hạn, lãi quá hạn và lãi phạt chậm trả là 3,1 tỷ đồng.

Tòa sơ thẩm cũng chấp nhận đơn khởi kiện của ngân hàng và nêu rõ “kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án, công ty còn phải chịu tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357,468 Bộ luật Dân sự 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Viện kiểm sát nhân dân kháng nghị vì cho rằng, việc tuyên lãi suất chậm thi hành án là không rõ ràng, cụ thể dẫn tới có khả năng phát sinh, khó khăn vướng mắc cho việc thi hành bản án. Tòa phúc thẩm sau đó phải sửa lại và chỉ xác định mức lãi suất theo Điều 357, 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về thi hành án dân sự tại nghị trường, năm 2019, tổng số việc phải thi hành là 960.656 việc; số việc có điều kiện thi hành là 737.979 việc; số việc thi hành xong là 579.888 việc. Tổng số tiền phải thi hành là hơn 251.435 tỷ đồng; đã thi hành xong hơn 52.808 tỷ đồng.

Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 69/2018/QH14 để thu hồi các khoản nợ của tổ chức tín dụng, đã thi hành xong 4.428 việc; thu được số tiền hơn 22.991 tỷ đồng.

Việc thi hành án còn một số tồn tại và hạn chế, như bất cập giữa quy định và thực tiễn thi hành, số vụ viêc và tiền thụ lý ngày càng nhiều và tăng cao, hoạt động tín dụng tại một số ngân hàng còn thiếu chặt chẽ, phần lớn các vụ việc liên quan đến đất đai, có tính chất phức tạp…

Tin bài liên quan