Nguy cơ từ quy định cho vay vượt giới hạn

Nguy cơ từ quy định cho vay vượt giới hạn

(ĐTCK) Giới luật sư quan ngại, việc pháp luật không có quy định rõ về giới hạn cấp tín dụng được vượt quá sẽ dẫn tới rủi ro rất lớn.

Ngày 1/5 tới, Quyết định số 13/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ có hiệu lực pháp luật.

Đây không phải là cơ chế mới, nhưng quy định mới đã đề cập các điều kiện xem xét khoản cấp tín dụng vượt giới hạn và đưa ra mẫu số chung để các bên áp dụng. Mức cấp tín dụng tối đa này áp dụng đối với một khách hàng và người có liên quan theo quy định tại các khoản 1, 2, 7, Điều 128, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2010.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico, trước đây, Pháp lệnh số 38-LCT/NĐNN8 của Hội đồng Nhà nước về ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính năm 1991 cấm cho vay vượt quá giới hạn. Tuy nhiên, sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã linh hoạt và có Thông báo số 08 về cho vay vượt giới hạn. Thời kỳ này dẫn đến một loạt cán bộ của một ngân hàng thương mại cổ phần dính lao lý vì cấp tín dụng vượt quá giới hạn. Sau này, pháp luật về ngân hàng đã khôi phục quy định về cho vay vượt quá giới hạn.

Song theo luật sư Đức, các quy định mới chỉ làm rõ thủ tục, trình tự về cho vay vượt quá giới hạn, nhưng chưa nêu rõ về điều kiện. Các điều kiện chỉ được nhắc tới một cách khá chung chung như khách hàng có nhu cầu triển khai các dự án, phương án có ý nghĩa kinh tế vì lý do phát triển kinh tế - xã hội quan trọng cấp thiết nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân thuộc các ngành, lĩnh vực như điện, than, dầu khí, xăng dầu, giao thông, vận tải công cộng và các lĩnh vực khác theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từng thời kỳ.

Trên thực tế, các quy định mới nhằm vào đối tượng là các công ty quốc doanh. Các công ty cổ phần nếu có thì chỉ “ké theo”, vì không thể cầm trịch các dự án lớn.

“Ở đây, chúng ta không đề cập đến những vụ án rút ruột, tham nhũng, nhưng về vấn đề kinh doanh thì cho vay vượt giới hạn có thể dẫn đến thất bại của ngân hàng. Một dự án nghìn tỷ có thể không sao, nhưng 10 dự án nghìn tỷ, ngân hàng sẽ chết”, ông Đức nói.

Cũng theo ông Đức, điều bất hợp lý nhất là luật không quy định giới hạn được vượt quá. Nếu xảy ra trường hợp cho vay một khách hàng vượt quá 100% vốn tự có của ngân hàng thì có thể vẫn đúng luật, nhưng nếu khoản nợ này rơi vào tình trạng nợ xấu thì sẽ đe dọa sự an toàn của ngân hàng.

Theo quy định, khách hàng phải đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng, không có nợ xấu trong 3 năm liền trước năm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, có hệ số nợ phải trả không quá ba lần vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của khách hàng tại thời điểm gần nhất với thời điểm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn.

Hoặc khách hàng có nhu cầu vốn để thực hiện các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thuộc một trong các trường hợp xác định trong quyết định trên.

Đánh giá về các tiêu chí trên, luật sư Nguyễn Văn Đãng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, quy định như trên là chưa đủ. Đặc biệt, luật không quy định giới hạn được vượt dẫn đến mức độ rủi ro mất vốn của tổ chức tín dụng rất lớn. Trên thực tế, doanh nghiệp có thể hoàn thiện bộ hồ sơ bằng những công ty “sân sau”, hoặc lợi dụng chính sách ngân hàng đẩy nhanh giải ngân để “làm ẩu”, làm liều. Thậm chí, có trường hợp cán bộ ngân hàng “bắt tay” với doanh nghiệp để hợp thức hóa hồ sơ. 

Theo Quyết định 13/2018/QĐ-TTg, tổ chức tín dụng phải đáp ứng các điều kiện khi thực hiện cơ chế này.

a) Về cấp tín dụng hợp vốn:

- Đã đề xuất và thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật về việc cấp tín dụng hợp vốn đối với dự án, phương án đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn mà khả năng hợp vốn của các tổ chức tín dụng chưa đáp ứng được yêu cầu vay vốn của một khách hàng; hoặc

- Đã phát hành thư mời hợp vốn tới ít nhất 5 tổ chức tín dụng khác, đăng trên trang thông tin điện tử chính thức của tổ chức tín dụng, các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian ít nhất 30 ngày làm việc nhưng không có tổ chức tín dụng khác tham gia hợp vốn.

b) Tại thời điểm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, tổ chức tín dụng đáp ứng các yêu cầu về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và các quy định pháp luật có liên quan;

c) Thực hiện đầy đủ các yêu cầu liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ được nêu tại hồ sơ đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn và các văn bản phê duyệt chấp thuận cấp tín dụng vượt giới hạn trước đó;

d) Đảm bảo giới hạn cấp tín dụng quy định tại Khoản 8, Điều 128, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 khi tính cả Khoản cấp tín dụng vượt giới hạn đang đề nghị.

Tin bài liên quan