Nghịch lý doanh nghiệp từ chối là… “bị hại”

Nghịch lý doanh nghiệp từ chối là… “bị hại”

(ĐTCK) Nếu hiện tượng pháp nhân đùn đẩy trách nhiệm cho nhân viên, né tránh nghĩa vụ bồi thường được nhắc đến nhiều, thì gần đây xuất hiện một nghịch lý khác là doanh nghiệp phủ nhận luôn các khoản thiệt hại, không yêu cầu bồi thường, từ chối là bị hại trong những vụ án hình sự kinh tế.

Việc xác định tư cách tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự kinh tế là đặc biệt quan trọng vì liên quan đến địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của các bên.

Trong các vụ án hình sự kinh tế, pháp nhân được coi là “bị hại” có thể là nguyên đơn dân sự, tức là bên bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (bị thiệt hại gián tiếp).

Song điều lạ là nhiều trường hợp trong quá trình điều tra, cơ quan tố tụng xác định doanh nghiệp có thiệt hại, nhưng trước tòa, họ khăng khăng không có thiệt hại, không yêu cầu bồi thường, không nhận là “bị hại”.

Điển hình là trong phiên tòa xét xử vụ án vỡ đường ống nước Sông Đà diễn ra từ ngày 5-15/3/2018, cơ quan tố tụng truy tố hành vi của 9 bị cáo vi phạm quy định về xây dựng, khiến tuyến ống truyền tải nước sạch Sông Đà đã 18 lần bị vỡ với 23 cây ống composite cốt sợi thủy tinh từ năm 2012-2016. Hậu quả của vụ án đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp khai thác - CTCP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) phải chi 16,6 tỷ đồng để khắc phục.

Viwasupco được tòa triệu tập với tư cách nguyên đơn dân sự. Tuy nhiên, đại diện Công ty cho biết, Hội đồng quản trị đã ban hành Nghị quyết 08 nhất trí không yêu cầu các cá nhân, tổ chức liên quan bồi thường số tiền khắc phục sự cố liên quan đến hiện trạng vỡ đường ống nước Sông Đà.

Luật sư Lê Đình Ứng, người bảo vệ quyền và lợi ích của Tổng công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex - bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) cũng đề nghị tòa không gọi 16,6 tỷ đồng là hậu quả.

“Vụ án này không có thiệt hại. Số tiền 16,6 tỷ đồng đã được dự toán từ trước là chi phí bảo trì, chi phí tất yếu trong quá trình vận hành dự án ”, đại diện Vinaconex nói và cho biết thêm, sau 2 lần tái cấu trúc và trả nợ ngân hàng, Vinaconex thu được khoản lợi nhuận 1.166 tỷ đồng (sau kiểm toán). Bản thân Viwasupco thu lãi lên tới 502 tỷ đồng.

Một trường hợp khác xảy ra với Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) trong vụ án Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản kéo dài gần 10 năm, nay mới có hồi kết. Trong thời gian dài, Vinapaco không có đơn yêu cầu các bị cáo bồi thường, không thừa nhận thiệt hại số tiền 6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong bản án tuyên vào đầu năm 2018, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội xác định, các bị cáo nguyên là cán bộ Trung tâm Gấy (thuộc Vinapaco) có hành vi thiếu trách nhiệm, ký giấy xuất kho vượt lệnh, không lệnh để đối tượng bên ngoài chiếm đoạt tiền mua hàng, xâm hại tài sản nhà nước. Mặc dù Vinapaco không có đơn, nhưng tòa vẫn đưa Tổng công ty tham gia với vai trò bị hại nhằm bảo vệ tài sản nhà nước.

Tương tự, trong vụ án Cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Đào Thành Long, nguyên Tổng giám đốc CTCP Phát triển nguồn lực và dịch vụ dầu khí Việt Nam (Petromanning) chủ ý nâng khống hợp đồng mua đất, rút tiền chênh lệch 26,1 tỷ đồng. Petromanning được xác định bị thiệt hại 17,9 tỷ đồng.

Trong khi bị cáo Long không thừa nhận hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, thì Petromanning cũng khẳng định không có thiệt hại. Công ty xác định, mọi giao dịch của cựu lãnh đạo là thực hiện theo Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty.

Vì sao cơ quan chức năng đã làm rõ hành vi của các đối tượng phạm tội, nhưng chủ thể bị hại là doanh nghiệp lại không muốn được bồi thường? Doanh nghiệp có ẩn ý nào khác không? Trên thực tế, câu trả lời này là có. Tại phiên tòa ngày 31/1/2018, Vinapaco đã không đề nghị các bị cáo phải bồi thường, mà lập luận đối tác mới là bên nợ tiền. Do đó, Vinapaco đề nghị về trách nhiệm dân sự, muốn được tách thành vụ án tranh chấp thương mại, nhằm đòi tiền đối tác, chứ không phải từ các bị cáo. Doanh nghiệp muốn nhận lại tiền thiệt hại từ “bên có tóc”, chứ không phải từ “kẻ trọc đầu”. 

Doanh nghiệp muốn tồn tại lâu dài sẽ luôn phải ưu tiên và cân nhắc đến bài toán quản trị tài chính, hiệu quả kinh doanh. Việc thất thoát tài sản là điều không ai mong muốn. Những doanh nghiệp không yêu cầu đòi bồi thường khi bị thiệt hại trong các vụ án kinh tế có thể vì chủ thể gây thiệt hại không còn gì để chịu trách nhiệm, hoặc cũng có thể vì thiệt hại xảy ra có liên quan đến vấn đề quy buộc trách nhiệm.

Nếu thừa nhận có thiệt hại, sẽ đồng nghĩa với bước tiếp theo là phải làm rõ ai, cá nhân nào trong đơn vị phải chịu trách nhiệm. Đây có lẽ là lý do khiến nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ cơ hội đòi bồi thường để đổi lấy sự bình yên.

Có ý kiến cho rằng, nếu số tiền thiệt hại không quá lớn hoặc được dự trù trước, doanh nghiệp từ chối yêu cầu bồi thường thiệt hại cũng… không sao. Song, có ý kiến chuyên gia phản biện, nếu khoản tiền thiệt hại là tài sản gốc, doanh nghiệp sẽ phải cấn trừ vào khoản khác để lấp liếm, hoàn thiện sổ sách và rủi ro từ đó cũng có thể xuất hiện. 

Tin bài liên quan