Ngân hàng nhận thế chấp “hớ”

Ngân hàng nhận thế chấp “hớ”

(ĐTCK) Mới đây, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đưa ra xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng liên quan đến tài sản đảm bảo là nhà đất của bên thứ ba. Đây không phải là lần đầu tiên phía ngân hàng gặp rủi ro với tài sản thế chấp dạng này.

Theo trình bày tại tòa, năm 2009, ông Đỗ Văn Tuấn được Công ty TNHH Thương mại và xuất nhập khẩu Sơn Thủy chào vay khoản tiền 800 triệu đồng với lãi suất hấp dẫn tại một ngân hàng. Công ty Sơn Thủy cùng cán bộ Chi nhánh Láng Hạ của ngân hàng trên đã thực hiện đầy đủ các thủ tục thẩm định. Sau khi ký kết hợp đồng thế chấp nhà, ông Tuấn được Công ty Sơn Thủy cho vay 800 triệu đồng. Ông Tuấn đinh ninh rằng nhà đất của mình chỉ dùng để bảo lãnh cho khoản vay này, nhưng đến khi vụ việc vỡ lở mới “ngớ người” vì giá trị khoản vay Sơn Thủy ký với ngân hàng lớn hơn nhiều.

Tương tự, trường hợp ông Tuấn, còn 3 chủ tài sản khác. Theo hợp đồng tín dụng ký kết năm 2009, ngân hàng cấp hạn mức tối đa 4,5 tỷ đồng cho Công ty Sơn Thủy, thời hạn vay 12 tháng. Mục đích vay để bổ sung vốn lưu động, lãi suất cho vay tại từng thời điểm giải ngân. Tài sản đảm bảo cho khoản vay trên gồm 3 bất động sản; trong đó có quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất của gia đình ông Đỗ Văn Tuấn, diện tích 113 m2 tại phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy). Ngày 11/11/2009, ngân hàng và Công ty Sơn Thủy tiếp tục ký hợp đồng tín dụng ngắn hạn số tiền 1 tỷ đồng, thời hạn 6 tháng, lãi suất 10,5%/năm.

Đến thời hạn thanh toán, Công ty Sơn Thủy chỉ trả được một phần nợ gốc và tuyên bố mất khả năng thanh toán. Do đó, ngân hàng khởi kiện, buộc bị đơn phải trả nợ gốc là hơn 3,4 tỷ đồng; lãi quá hạn là hơn 4,3 tỷ đồng, tổng cộng là hơn 7,7 tỷ đồng. Trường hợp Công ty không trả được nợ, ngân hàng đề nghị xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ. Các yêu cầu trên được cấp sơ thẩm – Tòa án Nhân dân quận Hoàn Kiếm chấp thuận.

Bên thứ ba là các chủ tài sản đều bức xúc vì họ cho rằng chỉ được vay một khoản tiền nhỏ từ Công ty Sơn Thủy, nhưng phải chịu trách nhiệm cho toàn bộ khoản vay. Thực tế, phía đứng tên vay tiền ngân hàng là Công ty Sơn Thủy liên tục vắng mặt không rõ lý do trong suốt quá trình tố tụng.

Ông Đỗ Văn Tuấn cho biết, kể từ năm 2011, ông tìm mọi cách liên lạc với người của Công ty Sơn Thủy, nhưng đều bất thành. Linh cảm bị lừa, ông Tuấn cầm số tiền 800 triệu đồng đến ngân hàng để chuộc lại sổ đỏ, nhưng không được chấp nhận. Sau phiên tòa sơ thẩm, ông Tuấn và một số người khác đã kháng cáo đề nghị được rút tài sản đảm bảo ra khỏi ngân hàng.

Trong số tài sản bảo lãnh, bất động sản gia đình ông Đỗ Văn Tuấn thuộc diện nhà đất tặng cho. Ngân hàng khẳng định theo hợp đồng tặng cho, sổ đỏ chỉ đứng tên một mình ông Tuấn và khi thế chấp cả đất và tài sản gắn liền trên đất. Tại thời điểm thẩm định, trên đất có căn nhà 1 tầng.

Tuy nhiên, vợ ông Tuấn cho biết, bà không biết chồng mang nhà đất thế chấp ngân hàng. Bà và hai con không được ký vào hợp đồng thế chấp. Trong khi đó, năm 2009, gia đình bà xây dựng căn nhà 5 tầng trên đất.

Với tình tiết này, Hội đồng xét xử nhận định, nhà đất của ông Đỗ Văn Tuấn là do công sức của hai vợ chồng, là tài sản hình thành trong quá trình hôn nhân. Ngân hàng không đưa vợ ông Tuấn ký kết vào hợp đồng thế chấp là thiếu sót. Do đó, ngân hàng không được quyền phát mại đối với tài sản này.

Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã sửa một phần bản án sơ thẩm, tuyên án Công ty Sơn Thủy có nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi. Ngoại trừ nhà đất ông Đỗ Văn Tuấn, ngân hàng có quyền xử lý các tài sản còn lại trong trường hợp bên vay không thanh toán đầy đủ khoản nợ.

Tin bài liên quan