Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Ngân hàng nhận bảo lãnh cá nhân: Thả gà ra đuổi

(ĐTCK) Một số trường hợp ngân hàng cho vay và nhận bảo lãnh từ cá nhân người thứ 3. Tuy nhiên, biện pháp bảo đảm này có rủi ro rất lớn bởi cá nhân có thể không có tài sản để trả nợ thay hoặc đã tẩu tán tài sản.

Về nguyên tắc pháp lý, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, bảo lãnh là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, hiểu đơn giản là một cam kết trả nợ thay cho người mang nợ của bên thứ 3 đối với chủ nợ.

Thông thường, trong quan hệ tín dụng, nếu có, các tổ chức tín dụng sẽ nhận bảo lãnh trả nợ của bên thứ 3 có liên hệ/quan hệ pháp lý nào đó với khách hàng, bên thứ 3 này có thể là cả tổ chức tín dụng khác, các pháp nhân hoặc các cá nhân.

Ngân hàng nhận bảo lãnh thực tế chỉ được nhận thêm một lời hứa trả nợ, khả năng thu hồi được khoản nợ rất thấp.   

Tuy nhiên, thực tiễn tranh chấp tín dụng của ngân hàng cho thấy biện pháp bảo lãnh này có rủi ro lớn. Ngân hàng nhận bảo lãnh thực tế chỉ được nhận thêm một lời hứa trả nợ, khả năng thu hồi được khoản nợ rất thấp.

Đơn cử, vụ kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và CTCP Đầu tư Trúc Bạch (có trụ sở tại quận Ba Đình, Hà Nội) vừa được Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đưa ra giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Đây là khoản nợ VAMC mua lại từ một ngân hàng.

Theo đó, ngân hàng cấp hạn mức tín dụng cho Công ty Trúc Bạch từ năm 2013, đến nay đã giải ngân theo 7 khế ước. Do Công ty không trả được nợ, VAMC đã khởi kiện đòi 6,3 tỷ đồng bao gồm gốc và lãi.

Khi cho vay, ngân hàng có nhận tài sản bảo đảm là nhà đất có diện tích 81 m2 ở phường Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội. Khoản vay cũng được bảo lãnh từ 3 cá nhân bao gồm bà Nguyễn Thị Minh T.; ông Phạm Hoàng V.; ông Phạm Hoàng P. (cùng trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) đứng ra bảo lãnh cho khoản vay của Công ty Trúc Bạch. Hợp đồng bảo lãnh có nội dung chủ yếu: bên bảo lãnh bằng toàn bộ tài sản của mình bảo lãnh vô điều kiện, không hủy ngang đối với nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng hạn mức tín dụng.

Các cá nhân này cam kết dùng mọi tài sản thuộc quyền sử dụng hợp pháp để trả nợ thay, ngân hàng được quyền yêu cầu cơ quan chức năng xử lý tài sản của họ để thu hồi nợ.

Bản án có hiệu lực pháp luật xác định VAMC có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự buộc 3 cá nhân nói trên phải trả nợ nếu Công ty Trúc Bạch không trả được nợ.

Tuy nhiên, dù hợp đồng bảo lãnh ghi nhận các cá nhân này dùng mọi tài sản để trả nợ thay nhưng lại không xác định cụ thể các tài sản nào.

Hay vụ việc VPBank khởi kiện Công ty TNHH B. (trụ sở tại quận 3, TP.HCM). Ngân hàng cho Công ty vay hơn 1,3 tỷ đồng, đảm bảo bằng biện pháp bảo lãnh bằng mọi tài sản cá nhân của ông Nguyễn Quang Thịnh, đại diện pháp luật Công ty TNHH B. Do Công ty không trả được nợ, VPBank đã đệ đơn khởi kiện.

Bản án tuyên buộc Công ty phải trả nợ cho ngân hàng, trường hợp Công ty không trả được nợ, ông Nguyễn Quang Thịnh có nghĩa vụ trả nợ thay. Tuy nhiên, bản án không đề cập ông Thịnh có những tài sản gì.

Theo luật sư Hồ Anh Khoa (Đoàn Luật sư Hà Nội), bảo lãnh là một trong những biện pháp bảo đảm cho giao dịch dân sự và với biện pháp bảo lãnh, bên bảo lãnh không sử dụng thêm bất kỳ tài sản nào cụ thể khác để bảo đảm.

Do đó, bản án không ghi nhận các tài sản cụ thể và đây là vấn đề dẫn đến vướng mắc trong khâu thi hành án.

Trong vụ việc VAMC đòi nợ, VAMC cũng đề nghị cơ quan thi hành án xác định các tài sản của 3 cá nhân nói trên để kê biên phát mại.

Theo quy định, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, nếu đương sự không tự nguyên thi hành án, bên kia có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thực thi bản án.

Nhưng để đi đến giai đoạn cưỡng chế thi hành án còn nhiều thủ tục. Riêng quá trình xác minh người bị thi hành có tài sản hay không, nếu có thì xem xét vấn đề sở hữu chung, sở hữu riêng đã tốn thời gian, nhiều khi không có kết quả.

“Thông thường, để hạn chế sai sót xảy ra, cơ quan thi hành án thường yêu cầu bản án phải nói rõ tài sản, chẳng hạn nhà đất thì phải xác định thửa đất, vị trí, địa chỉ, số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... thì mới có căn cứ xử lý. Do đó, các bản án chỉ ghi nhận nghĩa vụ trả nợ của một cá nhân thì rất khó để thi hành án suôn sẻ”, luật sư Khoa cho biết.

Nếu chỉ sử dụng biện pháp bảo lãnh và không ghi nhận thêm về tài sản thì khả năng bị tẩu tán/dịch chuyển tài sản là rất cao. Nếu ngân hàng không ghi nhận việc sử dụng thêm tài sản của bên bảo lãnh để bảo đảm, thì chắc chắn không thể yêu cầu xử lý tài sản của bên bảo lãnh.

Hoặc có ghi nhận, nhưng ghi nhận chung chung, không rõ tài sản gì/biện pháp bảo đảm gì, cũng sẽ khó khăn khi thực hiện xử lý tài sản.                   

Tin bài liên quan