Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang kiến nghị xử lý hình sự hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để bảo vệ người tiêu dùng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang kiến nghị xử lý hình sự hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để bảo vệ người tiêu dùng

Nên phạt tù người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Hàng loạt lô thịt heo nhiễm chất cấm đã được phát hiện tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Ngay cả lô thịt heo của các doanh nghiệp lớn như CP cũng không phải là ngoại lệ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang kiến nghị xử lý hình sự vi phạm này để bảo vệ người tiêu dùng.

Mới đây, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã thành lập Đoàn công tác đi kiểm tra tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại các tỉnh phía Nam, sau khi có thông tin tình trạng này đang diễn ra nhức nhối tại nhiều địa phương.

Trước đó, Chi cục Thú y TP.HCM đã lấy 227 mẫu nước tiểu heo giết mổ của 51 lô heo thì phát hiện tới 31 mẫu dương tính với chất tạo nạc Salbutamol ở hàm lượng cao từ 80 ppb - 1.300 ppb thuộc 7 lô heo. Trong 7 lô heo dương tính với Salbutamol thì có 4 trường hợp có nguồn gốc xuất xứ từ Đồng Nai, 2 trường hợp ở Tiền Giang và 1 ở Long An. 

Đây là các lô heo sử dụng chất tạo nạc, là một trong những tác nhân gây ung thư. 

Ông Phạm Tiến Dũng, Thanh tra Bộ NN&PTNT, mức lãi khủng thu về do sử dụng chất tạo nạc và sự kiểm soát lỏng lẻo của nhiều doanh nghiệp, địa phương là lý do khiến tình trạng này bùng lên.

“Một số cá nhân, thương lái thuê lại các trang trại chăn nuôi rồi tiến hành thu mua heo đã xuất chuồng của các Công ty lớn để sử dụng chất cấm nuôi thúc vỗ béo. Heo sau khi được nuôi nhốt và sử dụng chất cấm trong thời gian từ 10-30 ngày sẽ tăng trọng khoảng 20 - 30 kg, heo sẽ có trọng lượng khoảng 130 -140 kg. Trừ chi phí, mỗi đầu heo sẽ tăng lợi nhuận từ 500.000 đến một triệu đồng, ông Dũng nói.

Không chỉ ở Đồng Nai, mà kiểm tra nhiều tỉnh khác, Thanh tra của Bộ NN&PTNT cũng phát hiện hàng chục trường hợp vi phạm. Chẳng hạn, tại Tiền Giang, kiểm tra 38 mẫu nước tiểu heo thì có 25 mẫu dương tính với Salmotamol, tại Bến Tre, kiểm tra 20 mẫu thì có 4 mẫu dương tính, Tây Ninh kiểm tra 2 mẫu thì cả 2 mẫu dương tính. Không chỉ cơ sở chăn nuôi mà cơ sở sản xuất thuốc thú y và sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng vi phạm.

Tại Đồng Nai, Đoàn kiểm tra phát hiện thấy chất cấm tại cơ sở sản xuất thuốc thú y và thức ăn bổ sung Khoa Nguyên. Cơ sở này đã bị xử phạt 442 triệu đồng, đồng thời tạm đình chỉ sản xuất thức ăn bổ sung 1 tháng và đình chỉ hoàn toàn việc sử dụng thuốc thú y tại cơ sở này.

Tại Vĩnh Long, Đoàn kiểm tra cũng phát hiện Công ty Cường Phát và Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi Bắc Âu Mỹ sản xuất và phân phối thức ăn có hàm lượng chất cấm cao. Hiện Cường Phát đã bị Đoàn kiểm tra ra quyết định xử phạt, còn lãnh đạo Công ty Bắc Âu Mỹ đang trốn tránh cơ quan chức năng.

Năm 2015 là năm an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã thể hiện quyết tâm sẽ chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, song dến nay, tình trạng này không giảm mà còn dấu hiệu tăng, khiến người tiêu dùng hoang mang.

Trước tình trạng này, ông Phạm Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, cần tuyên truyền cho nguời chăn nuôi chân chính phát hiện và tố giác những cơ sở vi phạm để bảo vệ nền chăn nuôi lành mạnh. Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác thanh kiểm tra tại các địa phương, nghiêm khắc với các cơ sở vi phạm. Hiện nay, việc khó khăn là quy trình xét nghiệm kéo dài nhiều ngày, vì vậy mong muốn của ngành thú y là được đầu tư phương tiện hiện đại, xét nghiệm nhanh.

Đối với cơ sở phát hiện vi phạm, ông Dương đề nghị, cần phải tiêu hủy các lô heo vi phạm hoặc bắt nguời nuôi kéo dài thời gian nuôi cho đến khi thử nước tiểu không còn chất cấm thì mới được xuất chuồng.

Đại diện Thanh tra Bộ NN&PTNT thì cho rằng, cần sửa đổi quy định về “hậu quả nghiêm trọng” trong chăn nuôi hiện nay để tăng cường biện pháp xử lý hình sự với tội sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, khi đó mới giải quyết được triệt để tình trạng này.

Tin bài liên quan