Luật sư Trần Minh Hải: “Thiếu thuyết phục khi truy thu thuế…”

Luật sư Trần Minh Hải: “Thiếu thuyết phục khi truy thu thuế…”

(ĐTCK) “Từ cái lý của cơ quan thuế, cũng như với nội dung khởi kiện Cục Thuế TP. Hà Nội của S99 và nội dung khiếu nại của nhiều DN niêm yết, cho thấy, việc truy thu thuế là thiếu thuyết phục…”, Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO trao đổi với ĐTCK.

Vì sao ông lại cho rằng quyết định truy thu thuế của cơ quan thuế đối với các DN niêm yết là thiếu thuyết phục?

Khi phân biệt thành hai trường hợp để xem xét, sẽ thấy sự bất hợp lý, không thuyết phục của quyết định truy thu thuế.

Thứ nhất, các DN đều khẳng định, việc họ kê khai và hưởng ưu đãi thuế TNDN đối với DN niêm yết lần đầu là có sự hướng dẫn, chấp thuận của cơ quan thuế, chứ không phải tự ý DN thực hiện. Chắc chắn, cơ sở để cơ quan thuế chấp thuận cho DN được hưởng ưu đãi thuế, là căn cứ vào hướng dẫn và sự chấp thuận của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế.

Như vậy, cơ sở này ở thời điểm cho phép DN được hưởng ưu đãi thuế là đúng. Đã là đúng, thì đương nhiên không có căn cứ truy thu thuế đối với DN…

Thứ hai, căn cứ, cơ sở pháp lý để cơ quan thuế chấp thuận cho DN được hưởng ưu đãi thuế trước kia là đúng, nhưng nay họ xét thấy không còn phù hợp, nên có những điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu quản lý mới.

Như vậy, sự điều chỉnh này là xuất phát từ nhu cầu của cơ quan thuế, nên dẫn đến có những nội dung khác, thậm chí phủ định những nội dung của quy định mà trước đây cơ quan thuế lấy làm cơ sở để cho phép DN được hưởng ưu đãi thuế. Vậy là cả ở trường hợp này, lỗi cũng không thuộc về DN, nên việc cơ quan thuế truy thu thuế đối với nhiều DN niêm yết là không thuyết phục, thiếu hợp lý.

Ý ông là khi ban hành chính sách mới, mà có những nội dung thay đổi so với quy định cũ, thì không áp dụng hồi tố?

Đúng như vậy. Khi chính sách thuế, cũng như các chính sách quản lý trong các lĩnh vực khác có những điều chỉnh, thay đổi, thì theo thông lệ áp dụng các quy định pháp luật, không áp dụng hồi tố đối với các trường hợp mà quy định pháp lý được ban hành sau có những điều chỉnh, bổ sung so với những quy định mà DN đã áp dụng để được hưởng ưu đãi thuế trước đó.

Ở trường hợp này, nếu có những bất cập của chính sách thuế, mà dẫn đến phải điều chỉnh, thì do lỗi của cơ quan thuế, chứ cũng không phải lỗi của DN. Do đó, không có lý do để truy thu thuế đối với DN.

Vậy theo ông, cơ quan thuế cần có cách hành xử ra sao cho thấu tình đạt lý?

Việc truy thu thuế đối với DN niêm yết là khá nhạy cảm, vì đây là những DN đại chúng, có liên quan đến quyền và lợi ích trực tiếp của nhiều cổ đông, nên các thông tin liên quan đến những vấn đề bất minh về tài chính, dễ gây tổn hại lớn đến uy tín, cũng như lợi ích vật chất của chính DN và các cổ đông.

Hơn nữa, DN không thể thu hồi tiền đã chia cổ tức cho cổ đông, với lý do để có nguồn nộp cho cơ quan thuế, trong khi lỗi này không thuộc về DN.

Việc cơ quan thuế, dù bất kể vì lý do gì, mà bất ngờ truy thu thuế sẽ đẩy DN đối mặt với nguy cơ mất thanh khoản, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện tại.

Trong trường hợp có điều chỉnh chính sách dẫn đến truy thu thuế DN, thì cơ quan thuế cần thông báo thời gian, để DN thu xếp nguồn, chứ không thể buộc nộp ngay, mà nếu không nộp thì bị phạt chậm nộp.

Tin bài liên quan