Các DN Việt Nam thường sử dụng vốn vay rất lớn trong cơ cấu vốn

Các DN Việt Nam thường sử dụng vốn vay rất lớn trong cơ cấu vốn

Luật Phá sản tiếp tục nỗi lo… phá sản

(ĐTCK) Các ý kiến thảo luận tại Hội thảo về Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội vừa tổ chức cho thấy, dù đã qua vài lần sửa đổi nhưng sắc luật quan trọng này vẫn còn nhiều điểm bế tắc, nếu không kịp thời sửa đổi thì rất dễ… phá sản khi được ban hành.

Khó nhận diện DN phải phá sản

Theo Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn, Dự thảo lần này tăng thêm 2 chương, 7 điều so với Dự thảo được đưa ra xin ý kiến tại kỳ họp Quốc hội cuối năm ngoái.

Cụ thể, Dự thảo lần này có thêm Điều 4 về giải thích từ ngữ, trong đó khoản 1 quy định: Mất khả năng thanh toán là tình trạng DN, hợp tác xã không thanh toán khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu. Quy định nhận diện thế nào là DN lâm vào tình trạng phá sản đã được bỏ đi.

Trước đó, cơ quan chủ trì soạn thảo là TAND Tối cao đã đưa ra quy định về DN lâm vào tình trạng phá sản khi không thanh toán được nợ đến hạn từ 200 triệu đồng trở lên trong 3 tháng. Quy định này đã vấp phải sự phản ứng mạnh từ giới chuyên gia, DN.

Hiện Dự thảo đã bỏ quy định này và chỉ quy định về khoản nợ đến hạn không có tranh chấp, không được thanh toán trong 3 tháng kể từ khi chủ nợ có yêu cầu. Tuy nhiên, các ý kiến lại cho rằng, Ban soạn thảo đã thay sự bất hợp lý này bằng một sự bất hợp lý khác, vì quy định nợ không có tranh chấp sẽ tạo ra kẽ hở để đương sự có thể lách bằng những thủ thuật tạo ra tranh chấp để tránh nguy cơ đối diện với yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Dự thảo mới nhất cũng chỉ quy định về tình trạng mất khả năng thanh toán và tiếp đó, Điều 5 về quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản quy định, chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi DN, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ đến hạn trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu.

Một nội dung khác thay đổi là thẩm quyền giải quyết phá sản, Dự thảo Luật lần trước quy định, tòa cấp tỉnh giải quyết đơn yêu cầu phá sản đối với DN, hợp tác xã trên địa bàn. Với Dự thảo lần này, thẩm quyền được trao cho cả 2 cấp tòa án. Tòa cấp tỉnh giải quyết các vụ việc phức tạp, có yếu tố nước ngoài, có nhiều khoản nợ lớn… Tòa cấp huyện giải quyết các vụ việc còn lại.

Vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng

Theo các ý kiến tại hội thảo, vẫn còn nhiều vấn đề cần làm rõ hơn để đảm bảo Luật Phá sản sửa đổi tới đây không rơi vào tình trạng… phá sản như Luật Phá sản 2004, 10 năm thực thi Luật mới chỉ có 83 DN được phá sản.

Ông Justin Yap, chuyên gia cao cấp của IFC về pháp luật phá sản nhấn mạnh, hệ thống pháp luật về vấn đề này phải tạo điều kiện để DN có thể tối ưu hóa giá trị các tài sản còn lại, chứ không phải là làm sao để chủ nợ thu hồi được tối đa nợ. Bên cạnh đó, chức danh quản tài viên - người quản lý tài sản phá sản - phải giữ vai trò trung tâm trong hệ thống Luật Phá sản hiện đại.

“Chức danh này phải giúp duy trì động lực đẩy nhanh cả hai quá trình phá sản cũng như phục hồi DN sau phá sản”, ông Justin Yap nói.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng, quản tài viên nên là một tổ chức, bởi một công ty, một cá nhân không thể làm tốt công việc quản lý, trợ giúp DN. Tuy nhiên, một quản tài viên là kiểm toán viên của KPMG, người từng tham gia vụ phá sản của Lehman Brother, lại có ý kiến ngược lại khi cho biết, thực tế việc sử dụng quản tài viên là một cá nhân sẽ giúp cho cơ chế ra quyết định được nhanh gọn và hiệu lực hơn.

Tại Dự thảo lần này, cách gọi quản tài viên được thay bằng cụm từ “người quản lý tài sản phá sản”. Tuy nhiên, nhiều đại biểu tham gia hội thảo phản đối cách gọi trên, bởi nó không mang tính đại diện và cũng không chính xác với trách nhiệm của quản tài viên.

Một nhóm vấn đề khác cũng nhận được nhiều ý kiến là việc nhận diện DN lâm vào tình trạng phá sản. Luật Phá sản 2004 không có nhiều hiệu lực thực tiễn cũng bởi quy định về DN lâm vào tình trạng phá sản quá chung chung, không có tiêu chí định lượng cụ thể.

Luật sư Vũ Xuân Tiền, đại diện Hiệp hội Các nhà quản trị Việt Nam cho biết, các nhà quản trị, chủ DN rất quan tâm đến Luật Phá sản, bởi luật này có tầm ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh. Ông Tiền cho rằng, Dự thảo lần này dù đã được chỉnh lý, nhưng vẫn có tới hơn 10 vấn đề cần xem xét, cân nhắc lại.

Đơn cử, Dự thảo bỏ quy định nhận diện DN lâm vào tình trạng phá sản. “Luật Phá sản nhưng lại không định nghĩa phá sản? Tôi đề nghị phục hồi quy định trên”, ông Tiền nói và đề nghị, nên kéo dài thời hạn để đề nghị mở thủ tục phá sản lên thành 6 tháng không thanh toán được nợ khi chủ nợ yêu cầu, bởi 3 tháng quá ngắn để “con nợ” xoay xở nguồn tiền.

Ngoài ra, Luật sư Vũ Xuân Tiền cho rằng, quy định mới giải thích, DN phá sản khi mất khả năng thanh toán là không chính xác. Nếu giải thích như Dự thảo thì 99% DN đối mặt với đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, bởi thông thường tại DN Việt Nam, vốn chủ sở hữu chỉ đến 35%, còn lại là vay, nguy cơ mất cân đối là thường xuyên.

Theo ông Tiền, Ban soạn thảo có sự nhầm lẫn khái niệm về tình trạng không thể thanh toán trong DN, mất cân đối dòng tiền chỉ là chưa thu được nợ phải thu, chưa có đủ tiền trả, chưa phải là phá sản. Mất khả năng thanh toán chỉ xảy ra nếu bán toàn bộ tài sản của DN nhưng vẫn không trả được nợ đến hạn. Thực tế có trường hợp DN không thanh toán, cố tình chiếm dụng vốn của đối tác.

Trong khi đó, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, Luật Phá sản cần hướng tới mục tiêu góp phần làm minh bạch, trong sạch môi trường kinh doanh. “Không nên để tình trạng DN chết lâu rồi mới yêu cầu mở thủ tục phá sản, không nên khuyến khích DN chiếm dụng vốn của nhau”, Luật sư Đức nói.                              

Tin bài liên quan