TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Luật Đầu tư công sẽ là chốt chặn tham nhũng, lãng phí

(ĐTCK) Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, Dự thảo Luật Đầu tư công sẽ được Quốc hội thảo luận trong phiên họp ngày 24/5 và biểu quyết thông qua ngày 18/6/2014 tới. ĐTCK đã có cuộc phỏng vấn TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xung quanh Dự án luật có tầm quan trọng đặc biệt này.

Được biết, trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này, Dự án Luật Đầu tư công đã được các đại biểu Quốc hội, nhiều chuyên gia kinh tế và các tổ chức quốc tế thảo luận, góp ý kiến trong Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, cũng như tại một số hội thảo được tổ chức gần đây. Tham dự các hội thảo này, ông có thể cho biết những nội dung nào đã được đề xuất sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hơn? 

Đúng như vậy, Dự thảo Luật Đầu tư công đã được lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế tại hội thảo trên cả 3 miền Bắc, Trung và Nam. Từ đó, một số nội dung lớn của Dự án luật đã được tập trung trao đổi, thảo luận và làm rõ.

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, theo quy định của Dự thảo luật, mọi đối tượng sử dụng vốn đầu tư công, kể cả DN thuộc các thành phần kinh tế đều được điều chỉnh trong Luật này. Ngoài ra, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo luật đã thể hiện được tính đồng bộ, thống nhất giữa các Luật cùng điều chỉnh hoạt động đầu tư công như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Luật Quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, Luật Đấu thầu...

Thứ hai, về tiêu chí phân loại dự án đầu tư công, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các tiêu chí phân loại dự án đầu tư công đã được tính toán và được thể hiện rõ trong Dự thảo Luật theo hướng hạn chế việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành. Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án để tạo sự linh hoạt trong điều hành.

Còn về việc phân cấp quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư đối với chương trình, dự án thì sao, thưa ông?

Thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư là nội dung đổi mới quan trọng nhất của Luật Đầu tư công; đó là điểm khởi đầu quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của chương trình, dự án; nhằm ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí và đơn giản trong việc quyết định chủ trương đầu tư, nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định chủ trương đầu tư. Dự thảo Luật quy định tất cả chương trình, dự án đầu tư công đều phải thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư thay vì theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ những chương trình, dự án quan trọng quốc gia mới cần được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó, Dự thảo luật cũng có quy định nhằm tăng cường và đổi mới công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn, coi đó là một trong những nội dung quan trọng nhất của công tác thẩm định chương trình, dự án đầu tư công. Bởi thực tế hiện nay, nhiều bộ, ngành và địa phương chưa coi trọng công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn hoặc chỉ làm hời hợt, chiếu lệ; quyết định các chương trình, dự án với quy mô lớn gấp nhiều lần khả năng cân đối vốn của cấp mình, cũng như khả năng bổ sung của ngân sách cấp trên.

Việc triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn được cho là bước đổi mới mạnh mẽ công tác lập kế hoạch đầu tư; chuyển từ việc lập kế hoạch ngắn hạn, hàng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm. Ông nhận định ra sao về quan điểm này?

Đúng vậy, đây là điểm đổi mới lớn thứ hai trong quản lý đầu tư công. Với việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn sẽ vừa bảo đảm các cân đối kinh tế lớn trong phạm vi cả nước, vừa tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương biết cấp mình, cơ quan mình có bao nhiêu vốn trong kế hoạch 5 năm để có quyết định chủ trương đầu tư đúng đắn, hiệu quả hơn; đặc biệt là tạo ra sự công khai, minh bạch trong phân bổ nguồn lực của Nhà nước. Việc lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch vẫn thực hiện theo phân cấp hiện hành; nguồn vốn do cấp nào quản lý sẽ chịu trách nhiệm lập và phê duyệt kế hoạch trên các nguyên tắc quy định trong Luật Đầu tư công.

Luật Đầu tư công ra đời được kỳ vọng sẽ là chốt chặn, giảm thiểu tình trạng lãng phí, tham nhũng trong hoạt động đầu tư công hiện nay. Ông đánh giá ra sao về yêu cầu công khai, minh bạch và giám sát của cộng đồng trong đầu tư công theo quy định của Dự luật này?

Dự thảo Luật đã có nhiều quy định rõ hơn nguyên tắc, nội dung công khai, minh bạch trong đầu tư công, quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm cá nhân trong thực hiện đầu tư công. Quy định về việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư, nơi thực hiện dự án đối với việc quyết định đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án có quy mô di dân, tái định canh, định cư lớn, dự án có nguy cơ tác động lớn đến môi trường, dự án có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư, nơi thực hiện dự án về chủ trương, chính sách đầu tư, xây dựng, đất đai, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án tái định canh, định cư theo quy định của pháp luật.

Dự thảo Luật cũng quy định vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội hàng năm lập kế hoạch giám sát cộng đồng chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn theo nhiều nội dung cụ thể và sát với thực tế hoạt động đầu tư công hiện nay.

Tin bài liên quan