Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Loay hoay tính thời hiệu khởi kiện trọng tài

(ĐTCK) Đối với doanh nghiệp, việc tính toán thời hiện khởi kiện rất quan trọng để xác định nghĩa vụ của đối tác. 

Khi các phương thức giải quyết tranh chấp ngày càng đa dạng thì doanh nghiệp cần phải nắm rõ yếu tố này để tránh thua thiệt, đặc biệt với tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

Giữa tháng 6/2020, Quốc hội đã thông qua Luật Đối thoại và hòa giải tại tòa án (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021). Bên cạnh các phương thức truyền thống là tòa án và trọng tài, cơ chế đối thoại và hòa giải được kỳ vọng sẽ làm giảm nhiệt tranh chấp trong thời gian tới. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết còn các quan điểm trái chiều.

Từ vụ việc của Keangnam

Năm 2009, Công ty Keangnam Ltd - nhà thầu chính của dự án Keangnam Landmark Tower đã ký hợp đồng thực hiện thiết kế, kỹ thuật, cung cấp và lắp đặt lớp nhôm bên ngoài với liên danh nhà thầu phụ là Công ty Syaie và Công ty Syaie2. Giá trị hợp đồng là 18,4 triệu USD.

Năm 2016, nhà thầu phụ nhận số tiền 16,6 triệu USD. Các bên tranh chấp số tiền còn lại là 1,7 triệu USD. Năm 2017, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã ban hành phán quyết buộc Công ty Keangnam phải thanh toán cho nhà thầu số tiền này.

Công ty Keangnam đã đặt vấn đề về thời hiệu để yêu cầu Tòa án nhân dân TP. Hà Nội hủy phán quyết trên với lý do trọng tài xác định sai thời hiệu khởi kiện. Theo doanh nghiệp này, việc áp dụng Bộ luật Dân sự để bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện là không đúng.

Cụ thể, theo Điều 33 - Luật Trọng tài thương mại thì đã hết thời hiệu khởi kiện (quá 2 năm), việc Hội đồng trọng tài vẫn thụ lý là trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Còn tòa án thì cho rằng, cơ sở xác định thời hiệu khởi kiện là thư đề ngày 13/6/2014 Công ty Keangnam gửi cho nhà thầu, cam kết sẽ thanh toán 50% khoản nợ vào ngày 10/8/2016 và phần còn lại vào ngày 30/8/2016.

Như vậy, thời hiệu khởi kiện bắt đầu kể từ sau ngày 30/8/2016. Hội đồng trọng tài căn cứ vào Điều 162 - Bộ luật Dân sự 2005 để bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện là có căn cứ do Công ty Keangnam đã thừa nhận nghĩa vụ của mình với nhà thầu.

Tòa cũng xác định, thời hiệu khởi kiện không phải là một trong các căn cứ hủy phán quyết trọng tài, nên đơn khiếu nại của Công ty Keangnam không được chấp nhận.

Nhiều vấn đề chưa thống nhất

Thực tế, tùy vào từng vụ việc mà pháp luật sẽ quy định thời hiệu khởi kiện khác nhau. Hiện nay, thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài là 2 năm, trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác (Điều 33 - Luật Trọng tài thương mại 2010).

Về luật áp dụng, Điều 14 quy định, với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn. Nếu các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì Hội đồng trọng tài quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng cho là phù hợp nhất.

Luật Trọng tài thương mại hiện chưa quy định nếu tranh chấp có yếu tố nước ngoài thì được điều chỉnh bởi pháp luật Việt Nam trong mọi trường hợp, hay phải tuân theo pháp luật nước ngoài…   

Liên quan tới vấn đề này, PGS-TS. Đỗ Văn Đại, trọng tài viên VIAC cho biết, Luật Trọng tài thương mại hiện chưa quy định nếu tranh chấp có yếu tố nước ngoài thì được điều chỉnh bởi pháp luật Việt Nam trong mọi trường hợp, hay phải tuân theo pháp luật nước ngoài, nên các bên thường viện dẫn thời hiệu pháp luật Việt Nam khi xảy ra tranh chấp và điều này không đảm bảo sự hài hòa lợi ích.

“Nếu quá trình giải quyết, không bên nào nêu vấn đề thời hiệu, nhưng sau khi ban hành phán quyết thì lại có một bên yêu cầu hủy, lúc này trọng tài có nghĩa vụ áp dụng thời hiệu hoặc có quyền áp dụng thời hiệu không, khi mà ngành tòa án thường theo hướng các bên không yêu cầu thì mất quyền phản đối? Trường hợp các bên đã hòa giải nhưng bất thành và giải quyết tại trọng tài thì tính thời hiệu khởi kiện trọng tài như nào?”, ông Đại nêu vấn đề và cho biết thêm, kinh nghiệm trên thế giới, nếu các bên không đạt thỏa thuận thì bắt đầu lại thời hiệu, nhưng Việt Nam hiện chưa có định hướng rõ nét về tác động này.

Cụ thể hơn, TS. Đặng Xuân Hợp, một trọng tài viên khác của VIAC đưa ra dẫn chứng về một vụ kiện hợp đồng ở Việt Nam, nhưng giải quyết tại Trung tâm Trọng tài Singapore, nên có sự vênh nhau về thời hiệu khởi kiện, khi ở Việt Nam là 2 năm, còn ở Singapore là 6 năm.

Ông Hợp cho biết, thời hiệu tố tụng nào được áp dụng sẽ phụ thuộc vào vấn đề, thời hiệu khởi kiện thuộc luật nội dung hay hình thức. Nếu coi đó là luật hình thức sẽ áp dụng luật Singapore, còn coi là luật nội dung thì áp dụng luật Việt Nam.

“Sự rối rắm này đã gây ra tranh luận lớn ở Singapore. Có ý kiến cho rằng, trong trường hợp này cần áp dụng luật hợp đồng vì đó là hướng dễ dàng và ít phức tạp nhất. Do đó, năm 2012, Singapore đã ban hành đạo luật áp dụng riêng cho trường hợp này”, ông Hợp thông tin.        

Tin bài liên quan